3 hướng giải quyết khi xảy ra tranh chấp đất đai

08:17 | 07/11/2021
Đất đai là tài sản có giá trị lớn nên khi xảy ra tranh chấp thường sẽ rất phức tạp và muốn hòa giải phải gặp không ít khó khăn.
Tranh chấp đất đai thừa kế giữa anh em trong gia đình Cần xử lý dứt điểm tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp

Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở

Đây là hướng giải quyết đầu tiên cho mọi vụ việc tranh chấp đất đai, theo đó Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại địa phương (theo Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Trường hợp hòa giải thành công thì kết thúc tranh chấp. Ngược lại nếu hòa giải không thành thì tùy vào từng trường hợp mà pháp luật có cách giải quyết khác nhau, ví dụ khởi kiện, đề nghị UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết…

Tranh chấp đất đai là những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Ảnh minh họa: Phan Anh

Đề nghị UBND cấp huyện/tỉnh giải quyết

Trường hợp hòa giải tại UBND xã không thành, các bên tranh chấp đất đai có thể đề nghị UBND cấp huyện/tỉnh xem xét giải quyết.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện chính là Chủ tịch UBND huyện đó. Cụ thể, hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai mà người dân cần chuẩn bị bao gồm:

- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.

- Biên bản hòa giải, kết quả hòa giải tại UBND cấp xã.

- Thông tin về thửa đất tranh chấp (các tài liệu, chứng cứ về quyền sở hữu, diện tích, trích lục bản đồ. hồ sơ địa chính...).

Thời hạn giải quyết là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp hợp lệ (theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Khởi kiện ra Tòa án nhân dân

Theo Khoản 1, 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, nếu rơi vào 3 dạng tranh chấp đất đai sau đây thì đương sự được khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ (có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013).

Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng…).

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.

Theo Tuệ Minh/laodong.vn

https://laodong.vn/bat-dong-san/3-huong-giai-quyet-khi-xay-ra-tranh-chap-dat-dai-962004.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này