Hà Nội sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

22:57 | 05/11/2021
(LĐTĐ) Đi đôi với triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, Hà Nội đã chủ động nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”...
Ngày 5/11: Hà Nội ghi nhận 133 ca mắc Covid-19, trong đó 61 ca cộng đồng Hà Nội tìm người liên quan đến F0 tại 7 quận nội thành

Đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội quyết định tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Hà Nội sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
UBND thành phố Hà Nội tổ chức “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” sáng 19/10.

Sự kiện diễn ra vào sáng ngày 6/11/2021 tại Hội trường Thành ủy Hà Nội, có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm đại diện một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các sở, ngành Thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Tại hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”, các đại biểu sẽ được nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua; giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của Thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Tình hình phát triển kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2021

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, thành phố Hà Nội duy trì tăng trưởng GRDP đạt 1,28%.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thành phố thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của Thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.

Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm.

Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai chính sách đặc thù, đã thực hiện hỗ trợ cho 289 nghìn đối tượng với kinh phí 299 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn với số tiền 317 tỷ đồng.

Thành phố đã giải ngân và cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội với số tiền 476 tỷ đồng.

Hà Nội đã khẩn trương rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế; trong đó: 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.

Thành phố cũng chủ động nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “cải cách hành chính”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.

Trước đó, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố" vào ngày 19/10. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Cùng với nỗ lực của chính quyền, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh trân trọng đề nghị các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng cùng chung tay chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với Thành phố. Trong đó, phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định. Tổ chức thực hiện hiệu quả các hướng dẫn phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động ổn định đời sống để đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố để hoàn thiện thủ tục liên quan đến đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án đã và đang triển khai thực hiện. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc và hiến kế vượt qua khó khăn, từng bước lấy lại đà sản xuất và tăng trưởng.

Cũng tại hội nghị này, báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thành phố Hà Nội với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" sẽ ban hành và triển khai thực hiện thêm các kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch...

Đẩy mạnh triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất

Bên cạnh việc tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, ngày 1/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 và 2023.

Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính bao gồm: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách Thành phố. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Đồng thời, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.

Kế hoạch đã đề ra 5 nhóm giải pháp gồm: Kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công; cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Hà Nội sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thành phố Hà Nội luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Đáng chú ý, về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Thành phố sẽ thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thành phố sẽ thực hiện các cơ chế chính sách thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua 2 Đề án đã ban hành là “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025” và “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung hỗ trợ về: Mặt bằng sản xuất kinh doanh thông qua phát triển các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ công nghệ, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và hỗ trợ gia nhập thị trường.

Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách tại Kế hoạch, đảm bảo thực chất, hiệu quả như: Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất thông qua các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất; tiếp tục nghiên cứu triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới; hỗ trợ an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội và lao động; hỗ trợ về lao động và chuyên gia; phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này