Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP: Những điều doanh nghiệp cần biết

16:11 | 05/11/2021
(LĐTĐ) Sáng nay (5/11) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Hiệp định EVFTA: Những “trái ngọt” thúc đẩy phát triển kinh tế Cần chiến lược tiếp cận phù hợp để nông sản Việt tiến vào thị trường Anh Lô vải thiều Việt Nam đầu tiên thâm nhập thị trường châu Âu qua Hiệp định EVFTA

Tại Hội thảo, VCCI cũng công bố Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định EVFTA” - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết quan trọng của RCEP cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết: “Một năm trở lại đây, chúng ta có hy vọng vào FTA mới, FTA có quy mô lớn nhất toàn cầu với các đối tác thương mại đầu tư hàng đầu thế giới. RCEP mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp của chúng ta những cơ hội đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn này".

Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho biết, VCCI đã xây dựng cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định RCEP”, để các doanh nghiệp Việt nhận thức và hiểu được các nội dung trong cam kết của Hiệp định. Cẩm nang này được các chuyên gia biên soạn không chỉ những kiến thức chuyên môn sâu về RCEP, các thông tin thực tiễn, phong phú từ quá trình tư vấn doanh nghiệp về FTA và cả những kinh nghiệm mà VCCI tích lũy từ việc thực hiện các cẩm nang tóm lược về CPTPP, EVFTA, những cuốn từ điển về FTA thế hệ mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP: Những điều doanh nghiệp cần biết
Toàn cảnh Hội thảo

RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, bởi đây là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Hơn nữa, RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Ngoài ra, được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform Trần Thị Hồng Minh cho biết: "RCEP nhận được sự quan tâm từ các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp và các học giả Việt Nam. Hiệp định RCEP không phải là một nội dung mới, việc ký kết Hiệp định RCEP là kết quả mà chúng ta có được sau hơn 7 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên. Ý tưởng từ RCEP được hình thành trong bối cảnh nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009”.

Bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương không chỉ nghiên cứu về RCEP mà còn là một thực thể trong tiến trình hội nhập ASEAN+6, cũng là thành viên sáng lập của Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á. Cùng với đó, Viện cũng là cơ quan đầu tiên thực hiện báo cáo đánh giá tác động của RCEP đến với Việt Nam vào năm 2015.

Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, các chuyên gia cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này. Thực tế thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA.

Theo một khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.

Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết RCEP và hướng dẫn tận dụng Hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, và đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này