Truy xuất nguồn gốc tạo tiền đề nâng tầm nông sản Việt

20:43 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Với mong muốn nâng cao hiểu biết, nhận thức của đoàn viên, thanh niên, đồng thời giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất… hiểu hơn về quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc, chiều 4/11, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng sự đồng hành của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”.
Dán tem truy xuất nguồn gốc, hiệu quả đôi đường Lô vải thiều gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đầu tiên tới Pháp Nhân lên niềm tin với nông sản Thủ đô khi ứng dụng mã QR

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Trình bày về lợi ích của việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Vũ Trung, chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định: Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ. “Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích và có thể đem lại nhiều lợi ích như: Có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp giải quyết việc giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường”- ông Trung cho hay.

Để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, thời gian tới Cục Bảo vệ Thực vật sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ làm việc với các nước nhập khẩu để thực hiện báo cáo khắc phục vi phạm, phục hồi mã số bị tạm ngưng do nhận thông báo vi phạm, xác định rõ các yêu cầu để mở rộng vùng trồng, tăng số lượng cơ sở đóng gói. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương, doanh nghiệp, người dân; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn Việt nam về thiết lập và quản lý vùng trồng để trình ban hành.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, hiện nay, vẫn còn tình trạng các hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc một cách chống chế, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Để sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường, bà Thực khuyến nghị các hộ gia đình, doanh nghiệp nên chủ động trong việc tạo dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, thông qua đó không chỉ bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính chủ cơ sở sản xuất khi có vấn đề liên quan đến an toàn, chất lượng sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc tạo tiền đề nâng tầm nông sản Việt
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam thảo luận về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn khi triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc. Trong đó, khó khăn nhất phải kể đến là từ phía quản lý nhà nước, tiếp đến là từ chính người dân và doanh nghiệp. Để hoạt động truy xuất nguồn gốc là bệ đỡ nâng tầm nông sản Việt, bà Thực mong muốn Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định về việc truy xuất nguồn gốc; người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cần có công nghệ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm, ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh việc thảo luận, trao đổi thông tin về hệ thống truy xuất nguồn gốc, hội thảo còn tạo ra một diễn đàn mở để các khách mời tham dự cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề về truy xuất nguồn gốc, những mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này