Sắp xét xử phúc thẩm vụ gang thép Thái nguyên

18:47 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Ngày 9/11, tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tổ chức xét xử phúc thẩm đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên nhận mức án 9 năm 6 tháng tù Nguyên tổng giám đốc TISCO bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù Vụ Gang thép Thái Nguyên: Thiệt hại chưa dừng lại ở con số 830 tỷ đồng

Theo đó, nội dung kháng cáo của các bị cáo chủ yếu tập trung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin miễn trách nhiệm hình sự,… Cụ thể: Bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự; bị cáo Đặng Văn Tập (nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, miễn bồi thường dân sự, miễn án phí dân sự sơ thẩm; bị cáo Đồng Quang Dương (nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký dự án TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường hoặc miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.

Sắp xét xử phúc thẩm vụ gang thép Thái nguyên
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, được cải tạo ngoài xã hội và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự; bị cáo Nguyễn Trọng Khôi (nguyên Phó Tổng giám đốc VNS) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự; bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên Kế toán trưởng TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.

Bị cáo Lê Thị Tuyết Lan (nguyên Phó Trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự; bị cáo Uông Sỹ Bính (nguyên Phó Trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính TISCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.

Bị cáo Nguyễn Chí Dũng (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNS) kháng cáo xin miễn hình phạt hoặc cải tạo không giam giữ hoặc cho bị cáo hưởng án treo và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự; Bị cáo Hoàng Ngọc Diệp (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNS) kháng cáo xin miễn hình phạt hoặc cải tạo không giam giữ hoặc cho bị cáo hưởng án treo và giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự.

Bị cáo Đoàn Thu Trang (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNS) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cải tạo không giam giữ hoặc cho bị cáo hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Văn Tráng (nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS) kháng cáo cho rằng, bị cáo chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xin được cải tạo ngoài xã hội và không phải bồi thường thiệt hại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Ngô Sỹ Hải và bà Nguyễn Thị Loan kháng cáo không đồng ý việc tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đối với tài sản là nhà, đất tại địa chỉ LK 8-1, khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội).

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

5 bị cáo bị tuyên phạt về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm đến 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo bản án sơ thẩm, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị VNS.

Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.

Khi dự án triển khai, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu, nhưng đã đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Lúc này, bị cáo Trần Trọng Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án. Hành vi của các bị cáo đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỷ đồng.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này