Để Thủ đô Hà Nội thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc:

Kỳ cuối: Đồng bộ giải pháp để giải bài toàn ùn tắc lâu dài

20:15 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông Thủ đô đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực để Hà Nội kết nối, nâng tầm vị thế. Tuy nhiên, quanh câu chuyện ùn tắc trong hạ tầng giao thông Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của hệ thống giao thông vận tải, Hà Nội cần tập trung vào các giải pháp như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các đầu mối logistics trung chuyển hàng hóa, hành khách, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành...
Kỳ 5: Phát triển đồng bộ tăng tính kết nối các loại hình vận tải Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém Kỳ 3: Ì ạch giảm tải cho hạ tầng giao thông Kỳ 2: Góc nhìn từ quy hoạch Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải

Ưu tiên phát triển hạ tầng

Tại Hà Nội, một trong những hiện tượng nhãn tiền là dân số gia tăng mạnh nhưng hiện vẫn tập trung ở khu vực nội đô. Dù nhiều khu đô thị mới đã hình thành nhưng về cơ bản các cơ quan, đơn vị vẫn nằm trong nội đô. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm (2009 - 2019) của Hà Nội là 2,22% năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (1,44%/năm).

Mật độ dân số của Thành phố là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Hệ lụy dễ thấy là tình trạng người dân “ở một nơi, đi làm, đi học một nẻo” và di chuyển cục bộ trong một phạm vi và thời gian khiến áp lực giao thông căng thẳng.

Kỳ cuối: Đồng bộ giải pháp để giải bài toàn ùn tắc lâu dài
Nhiều điểm ùn tắc do hạ tầng giao thông Thủ đô đang trong quá trình hoàn thiện.

Trước sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân gây ùn tắc giao thông, bên cạnh các giải pháp tình thế, Hà Nội cũng nỗ lực không ngừng trong công tác hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, về lâu dài để giải quyết vấn đề ùn tắc một cách triệt để, bền vững, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh quy hoạch xây dựng, phân bố dân cư, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hợp lý.

Ở câu chuyện ùn tắc của Hà Nội, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, nguyên nhân của việc ùn tắc giao thông trước tiên là do sự gia tăng phương tiện trên địa bàn Hà Nội những năm qua là rất lớn. Trước mắt, để hạn chế bớt những điểm ùn tắc, các đơn vị chức năng cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Thành phố.

Về lâu dài, để xử lý dứt điểm ùn tắc, các cơ quan liên quan cần tổ chức khảo sát, lên phương án cho từng điểm ùn tắc; với những điểm xuống cấp, hư hỏng thì cần cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; tăng cường lực lượng chốt trực, hướng dẫn điều tiết, xử lý vi phạm thường xuyên trong giờ cao điểm; tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân...

Kỳ cuối: Đồng bộ giải pháp để giải bài toàn ùn tắc lâu dài
Khi các giải pháp căn cơ như hệ thống giao thông công cộng, đường sắt đô thị, hạ tầng cầu, đường Vành đai... được đồng bộ sẽ góp phần trực tiếp xóa ùn tắc.

Thực tế cho thấy, việc lưu thông của các phương tiện cũng có thể xem như dòng nước chảy. Nếu hạ tầng giao thông không đồng bộ, bố trí dân cư không hợp lý thì hệ lụy nhãn tiền là giải tỏa ùn tắc chỗ này thì nơi khác sẽ lại nảy sinh ách tắc.

Bởi vậy, công tác “giảm tải” cho hạ tầng Thủ đô bằng cách di chuyển các trường đại học, cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp… đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo tìm hiểu, với công tác này Hà Nội cũng xác định tương đối rõ ràng và có những bước quy hoạch cũng như hành lang pháp lý để triển khai.

Chẳng hạn, từ 2003 đến nay đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch của Thành phố để chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp và Thành phố cũng giành quỹ đất để phục vụ công tác di dời. Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan công sở… đã được nêu ra tại Luật Thủ đô năm 2012.

Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định rất rõ là đến năm 2025, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng nhanh và bề vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.

Ở câu chuyện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá, trong quá trình đô thị hóa rất cần thiết di dời các cơ sở công nghiệp trong nội thành. Đặc biệt, Hà Nội cũng có đầy đủ các cơ sở pháp lý để di dời công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch. Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã định hướng không gian phù hợp với từng đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp sau khi di dời.

Nâng cấp giao thông đô thị

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Các công trình lớn này từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng quỹ đất dành cho giao thông. Chẳng hạn, nếu như năm 2015, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2019 là 9,75% và đến hết năm 2020 là 10,07%.

Kỳ cuối: Đồng bộ giải pháp để giải bài toàn ùn tắc lâu dài
Để giao thông Hà Nội thông thoáng còn cần sự chung, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.

Dù tăng dần từng năm, nhưng tốc độ tăng của ô tô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vẫn vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cũng không ít lần khẳng định, để giảm ùn tắc, bên cạnh việc nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội luôn chú trọng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng chú trọng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp kéo giảm ùn tắc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.

Theo tìm hiểu, từ năm 2010 đến nay, Thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, góp phần kết nối khép kín hệ thống giao thông thông suốt... Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm như: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Nhật Tân-Nội Bài... hoàn thiện, đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Hà Nội cũng xác định chiến lược phát triển giao thông vận tải là ưu tiên phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại như: Vành đai 1, 2, 3, 4… Tập trung đầu tư các cầu vượt sông, mở rộng đô thị ra hướng sông.

Kỳ cuối: Đồng bộ giải pháp để giải bài toàn ùn tắc lâu dài
Đường sắt đô thị được xem là loại hình chủ đạo trong việc giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Một khi hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, các nhà ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không trên địa bàn Thành phố sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, là cơ sở để hình thành các đầu mối trung chuyển hành khách, hàng hóa.

Trên bình diện các giải pháp ngắn hạn, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc sớm đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ, ở giai đoạn đầu, tuyến có chiều dài 13km, tương lai sẽ tiếp tục phát triển về phía khu vực Xuân Mai 15km. Tổng tuyến đường sắt đô thị sẽ dài khoảng 30km, là tuyến đi từ trung tâm nội đô lịch sử quận Đống Đa về phía Tây Nam của Thành phố và kết nối đô thị vệ tinh Xuân Mai.

“Đây là một trong 10 tuyến đường sắt đô thị của Thành phố theo quy hoạch chung của Thành phố và quy hoạch giao thong vận tải được Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ phê duyệt. Toàn tuyến được đầy đủ với tuyến Vành đai, tuyến xuyên tâm, tuyến lên Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, tuyến trùng Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 4… sẽ góp phần đồng bộ hóa giao thông, giảm ùn tắc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Rõ ràng, tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội là một bài toán khó và để giải quyết được thì cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước mắt, trong lúc chờ đợi hạ tầng được đồng bộ thì cần nhất là sự hợp tác, tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân. Về phía các các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả.

Những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã cơ bản được định hình. Theo đó, Thành phố tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường Vành đai cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.

Hà Nội cũng xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này