Khi các bãi rác đã quá tải

10:46 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Người dân Hà Nội lại một lần nữa phải “nín thở” với việc rác thải ứ đọng trên nhiều tuyến phố khi các bãi rác lớn của Thành phố liên tiếp gặp sự cố, không thể tiếp nhận rác. Nguy cơ “vỡ trận” về đầu ra của rác thải lại lần nữa được nhắc đến với nhiều áp lực và hệ lụy.
Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất: Người dân còn chịu ô nhiễm môi trường từ bãi rác đến bao giờ? Xử lý thí điểm thành công gần 100% mùi nước rỉ rác của bãi rác Nam Sơn

Bãi rác quá tải

Là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước với khoảng 8 triệu dân, hằng ngày tại Hà Nội, lượng rác nói chung (rác sinh hoạt, rác thải rắn xây dựng, rác độc hại, rác công nghiệp…) thải ra môi trường rất lớn. Thế nhưng, hiện Thành phố chỉ có hai khu xử lý chất thải chính: Nam Sơn và Xuân Sơn và điều đáng nói cả hai khu này đều đang quá tải. Do thiếu chỗ xử lý rác, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.

Khi các bãi rác đã quá tải
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội phun chế phẩm Posi-shell nhằm khử mùi, chống rác bay, ngăn nước mưa lẫn vào nguồn nước.

Thực tế, trong vài ngày trở lại đây, khi dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, người dân một số quận, huyện Hà Nội lại phải chịu thêm một “phiền toái” nữa khi rác thải tồn đọng trên nhiều tuyến đường. Rác thải sinh hoạt không được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng hãi hùng, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị. Nguyên nhân là do, hồ sinh học tại Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn xảy ra sự cố đang phải khắc phục và bãi phải tạm dừng tiếp nhận rác trong ít ngày.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn, hơn một năm nay, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 4.700 tấn/ngày, tương đương 1.700.000 tấn/ năm. Trong đó riêng lượng nước rác phát sinh là khoảng 2.800-3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa). Do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể lại sử dụng công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt ngưỡng thiết kế ban đầu.

Điều đáng nói là ở phía Tây Hà Nội, bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) cũng trong tình trạng “ngập” trong rác và cũng vừa mới phải tạm dừng tiếp nhận rác cách đây hơn 1 tuần để khắc phục sự cố. Bãi rác Xuân Sơn có nhiệm vụ tiếp nhận rác từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng rác mỗi ngày được đưa vào đây khoảng 1.500 tấn, trong đó chôn lấp 1.400 tấn, còn lại xử lý đốt 100 tấn. Do bãi ngừng tiếp nhận rác, dẫn tới hiện tượng ùn ứ rác tại một số quận, huyện kể trên và Sở Xây dựng Hà Nội đã phải điều chỉnh phân luồng giảm tải sang bãi Nam Sơn.

Ngoài hai nơi kể trên, địa bàn Hà Nội cũng còn bãi rác Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) có chức năng chủ yếu xử lý rác thải y tế và phân bùn bể phốt cho thành phố. Còn hai khu xử lý chất thải đã và đang tạm dừng hoạt động là Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đã đầy và không thực hiện tiếp nhận rác vào tháng 7/2018; Khu xử lý chất thải Phương Đình (Đan Phượng) được đưa vào vận hành từ năm 2014, tuy nhiên hiện nay đang phải tạm dừng để cải tạo, đổi mới công nghệ.

Có một thực tế đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, đó là tất cả các Khu xử lý chất thải rắn đều đã quá tải từ nhiều năm trước nhưng vẫn chậm trễ chưa có phương án xử lý. Giờ đây, các đơn vị liên quan đều phải “ăn đong” từng ngày để rác thải không bị ùn ứ. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, cơ quan này đã xây dựng “kịch bản” phân luồng rác một cách tỷ mỉ để rác có quãng đường di chuyển ngắn nhất, hạn chế phát sinh ô nhiễm trong quá trình đưa đến nơi xử lý.

Còn đó nỗi lo

Trước áp lực này, từ nhiều năm trước Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác. Thực tế đã có 5 dự án được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là, 2 dự án tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ và Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn); Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn; Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng. Tuy nhiên, đến nay, vì nhiều nguyên nhân, những dự án này vẫn mới chỉ nằm trên giấy hoặc chậm trễ trong triển khai.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn, hơn một năm nay, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 4.700 tấn/ngày, tương đương 1.700.000 tấn/ năm. Trong đó riêng lượng nước rác phát sinh là khoảng 2.800-3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa). Do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể lại sử dụng công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt ngưỡng thiết kế ban đầu.

Tiếp đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả, Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý vào cuối năm 2018. Dự án được xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do nước ngoài đầu tư và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, ghi nhận thực tế ở thời điểm đầu tháng 11/2021, nhiều hạng mục của dự án vẫn đang ở phần xây thô.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 3 dự án đốt rác phát điện khác cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Đó là nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày của liên danh T&T và Hitachizonshen đang triển khai thủ tục; nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Indovin Power công suất 500 tấn/ngày đang ở bước tạm giao mặt bằng để nghiên cứu triển khai; nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong nửa đầu năm nay. Các nhà máy đốt rác phát điện trên đều được thành phố Hà Nội phê duyệt, xây dựng tại khu vực thị xã Sơn Tây và Ba Vì.

Còn tại xã Việt Hùng (Đông Anh), nhà máy đốt rác công nghiệp công suất 500 tấn/ngày đêm được xây dựng từ năm 2016. Đến nay, nhà máy đã cơ bản hoàn thiện với 93% hạng mục được xây dựng, lắp đặt theo phê duyệt gồm: Hệ thống phân loại rác, ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma, xử lý khói, xử lý nước thải, thu gom và xử lý mùi…, song nhà máy chưa thể hoạt động.

Thực tế, kể cả khi các nhà máy trên được đưa vào vận hành, thì cơn khủng hoảng rác vẫn chưa thể giải quyết được ngay khi mà bài học từ Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn hay lò đốt NEDO vẫn còn đang hiện hữu.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, những giải pháp của Hà Nội, trong đó có việc xây dựng nhà máy đốt rác cũng chỉ là các biện pháp kéo dài thời gian cho các nhà máy rác thêm vài năm. Ở các nước phát triển, việc đốt rác phát điện rất hiệu quả do họ phân loại rác được từ đầu nguồn. Việc phân loại rác từ nguồn là giải pháp căn cơ để giải quyết “khủng hoảng rác” ở các đô thị lớn hiện nay

Việc phân loại rác ngay từ nguồn thải không khó, không tốn kém về tiền bạc, không mất nhiều thời gian, công sức. Ðiều quan trọng là làm sao để mỗi người dân thay đổi thói quen bỏ chung các loại rác vào một thùng bằng việc phân chia từng loại vào những thùng chứa khác nhau./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này