Nữ bác sĩ hỗ trợ hàng trăm F0 mỗi ngày qua điện thoại:

Khoác áo blouse trắng không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch

21:50 | 03/11/2021
(LĐTĐ) Trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid 19, cả hai vợ chồng bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương đều trở thành chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Nếu như chồng bác sĩ Tuấn Anh trực tiếp có mặt tại chiến tuyến cùng đồng nghiệp hỗ trợ chống dịch tại Đồng Nai, thì ở hậu phương, trong Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, bác sĩ Tuấn Anh cũng nỗ lực chống dịch từ xa bằng cách kết nối trực tuyến, tư vấn điều trị cho hàng trăm người bệnh F0 mỗi ngày.
Quận Tây Hồ: Chủ động mọi nguồn lực trong công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi Công đoàn Công an nhân dân trao thưởng 51 tác giả đạt giải Cuộc thi viết “Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch” Chuyển từ "xanh" sang "vàng", Hà Nội "nâng cấp" công tác phòng, chống dịch

Thực hiện thành công 110 cuộc gọi cho bệnh nhân trong ngày

Gương mặt khả ái, nụ cười thân thiện và đặc biệt là chất giọng ấm áp, khác biệt của người con gái xứ Quảng là những ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được khi gặp bác sĩ Tuấn Anh. Gần 10 năm làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bác sĩ Tuấn Anh luôn được đồng nghiệp yêu quý, tin tưởng bởi chị luôn cố gắng và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.

Khoác áo blouse trắng không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch
Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Giải Phẫu bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Theo chia sẻ của bác sĩ Tuấn Anh, chị sinh ra và lớn lên ở Núi Thành, Quảng Nam. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, chị may mắn được về làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương. “Đây là một cơ duyên rất lớn khi tôi được làm việc và cống hiến trong một môi trường làm việc nhân văn, thân thiện, một mái nhà chung hạnh phúc cho tất cả mọi người được học tập, được sáng tạo, được phát triển chính bản thân mình. Và đây cũng là nơi gặp gỡ định mệnh và nên duyên giữa tôi và ông xã”, bác sĩ Tuấn Anh tâm sự.

Thời gian qua, hai vợ chồng bác sĩ Tuấn Anh dù người trong Nam, người ngoài Bắc, bên cạnh tình yêu, thì sợi dây chung kết nối giữa họ chính là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, làm việc và cống hiến tất cả vì sức khoẻ người dân. Đơn cử, với bác sĩ Tuấn Anh, suốt nhiều tháng qua, chị tích cực tham gia Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19.

Chia sẻ về công viêc thiện nguyện vì sức khỏe người bệnh Covid-19, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ: “Công việc ở mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với tôi là nhiệm vụ rất thiết thực và ý nghĩa. Chúng ta không thể đong đếm được những đau thương từ đại dịch Covid 19, vì nó quá khốc liệt và xót xa. Bởi vậy, khi khoác trên mình áo blouse trắng, nếu không thể có mặt trực tiếp tại nơi tâm dịch Covid-19, thì bản thân tôi cũng không thể đứng yên ngoài cuộc chiến ấy”.

Nghĩ là làm, ngay từ đợt đầu Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tuyển tình nguyện viên, bác sĩ Tuấn Anh đã đăng kí tham gia, trải qua các bài test vào mạng lưới và được phân công là bác sĩ tư vấn cho khu vực 764 (khu vực hỗ trợ chính cho quận Gò Vấp - thành phố Hồ Chí Minh). Đến nay, tình hình dịch ở Gò Vấp tương đối ổn, bác sĩ Tuấn Anh lại được phân công hỗ trợ các quận khác như: Bình Tân, Tân Phú, Thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh,…

Theo lời bác sĩ Tuấn Anh, đối tượng chính của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là tập trung giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, trường hợp xác định chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.

Họ đều là những người dễ tổn thương nhất vì chưa xác định được tình trạng là mức độ nào, khi nào thì mình cần phải/được đưa đi bệnh viện điều trị; chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn.

Sống trách nhiệm với nghề

Chia sẻ về công việc khi tham gia tư vấn trong Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", bác sĩ Tuấn Anh cho biết, trong tháng 9 là thời kì đỉnh dịch của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Đa số bác sĩ, nhân viên y tế trong mạng lưới phải đi chống dịch, vậy nên số người còn lại cần chăm sóc số lượng bệnh nhân rất lớn.

“Cao điểm nhất là có ngày tôi gọi thành công đến 110 cuộc gọi tư vấn cho bệnh nhân Covid-19. Có những cuộc gọi tư vấn cân não đến nghẹt thở, có những cuộc gọi được thực hiện vào lúc nửa đêm. Với mỗi cuộc gọi tôi đều cố gắng lắng nghe và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho người bệnh. Mặc dù khá căng thẳng nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp và dành sự ưu tiên cao nhất cho người bệnh” bác sĩ Tuấn Anh bộc bạch.

Khoác áo blouse trắng không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch
Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh nằm trong top 10 cá nhân được đánh giá có số cuộc gọi thành công cao nhất trên Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành".

Bác sĩ Tuấn Anh cho hay: Hỗ trợ qua điện thoại, sợ nhất là cảm giác không giúp gì khi người bệnh tăng nặng, hồi hộp nhất, lo lắng nhất là khi gọi điện cho các cụ lớn tuổi. Thường thì một người trong gia đình mắc bệnh là cả gia đình là F0 cả, có nhà đến 15 người F0, nhiều cụ lớn tuổi không muốn đi cách ly tập trung, xin ở nhà tự cách ly và chăm sóc nhưng lại diễn biến nặng ở nhà.

Trong suốt quá trình hỗ trợ chống dịch qua điện thoại, có những câu chuyện, có những trường hợp tư vấn cho người bệnh khiến nữ bác sĩ nhớ mãi. “Tôi nhớ nhất là trường hợp một gia đình ở quận Gò Vấp có 6 người cùng là F0, nhưng đều cách ly tại nhà, trong đó có hai cụ lớn tuổi, cụ bà 73 tuổi, cụ ông 81 tuổi có bệnh nền hen phế quản. Cụ ông sức khỏe rất yếu, phải thở oxy tại nhà, nhiều lần được động viên nhập viện nhưng cụ không đồng ý. Với trường hợp bệnh nhân này, tôi cùng tình nguyện viên đã hỗ trợ hết sức, hằng ngày hướng dẫn dùng thuốc, thở oxy ngắt quãng, tập thở, qua 10 ngày, tình trạng cụ ông đã ổn, cai được thở oxy và ăn uống tốt… Với chúng tôi, đây đúng là một ca bệnh tiến triển kì tích. Và sau tất cả, ông, bà đã chiến thắng Covid-19, khoẻ mạnh và lan toả năng lượng tích cực đến rất nhiều người”, bác sĩ Tuấn Anh nhớ lại.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh đặc biệt được bác sĩ Tuấn Anh tư vấn và hỗ trợ điều trị tại nhà thành công. Với những cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian qua vì sức khỏe cộng đồng, bác sĩ Tuấn Anh liên tục được Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tôn vinh nhiều danh hiệu như: Cá nhân thực hiện nhiều cuộc gọi thành công nhất, bác sĩ chăm sóc nhiều bệnh nhân nhất; top 10 cá nhân đạt nhiều ngôi sao hy vọng nhất; top 10 bác sĩ sàng lọc nhiều bệnh nhân nhất…

Mặc dù chồng "Nam tiến" chống dịch, con nhỏ mới tròn 1 tuổi, tuy nhiên nữ bác sĩ Bệnh viện phổi Trung ương vẫn sắp xếp thời gian hợp lý và khoa học để vừa làm chuyên môn, vừa tư vấn bệnh nhân qua điện thoại và vừa cân cả việc nhà. “Ông xã cũng đi chống dịch, nên tôi phải tự dặn lòng mình cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để cân bằng cuộc sống, để sống có ích hơn với cuộc đời. Và động lực giúp tôi luôn hành thành tốt mọi nhiệm vụ chính là khi thấy mình có thể giúp thêm được ai đó bình an, khỏe mạnh giữa đại dịch Covid-19” - bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Mong rằng với sự đồng hành của bác sĩ Tuấn Anh nói riêng, cũng như các thành viên của Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nói chung, sự chia sẻ từ cộng đồng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, để cuộc sống bình yên của người dân sớm quay trở lại.

Minh Khuê - Tạ Khánh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này