Kiểm soát chặt vi phạm pháp luật trên không gian mạng

14:10 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Giả mạo tin nhắn của cơ quan chức năng, giả mạo ứng dụng cung cấp dịch vụ vay trực tuyến có uy tín, làm giả xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản… để lừa đảo tuy không phải là hành vi mới, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân bị lừa. Đáng nói, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng internet để lừa đảo dạng này ngày càng tinh vi hơn.
Ngăn ngừa “tín dụng đen” ẩn náu trên không gian mạng! Trang bị kiến thức về an toàn trên không gian mạng và bình đẳng giới

Giả mạo tin nhắn nhận trợ cấp Covid-19

Ngày 30/10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam gửi thông cáo báo chí, cảnh báo người lao động nâng cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn lừa đảo thông báo về việc nhận trợ cấp Covid-19.

Kiểm soát chặt vi phạm pháp luật trên không gian mạng
Ngày 19/3, Công an TP Huế bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Minh Vũ và Hoàng Thanh Sang để điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: laodong

Cụ thể, BHXH Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được tin nhắn có đầu số 052... thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nội dung “Ban chua nhan duoc tr0 cap C0VID-19, vui long dang nhap tinyurl.com/kxytdc8z (hoặc shorturl.at/frFHU) de lay, qua han se kh0ng duoc chap nhan".

BHXH Việt Nam khẳng định, tin nhắn trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân. Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên.

BHXH Việt Nam đề nghị người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như Bảo hiểm xã hội Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn. Đồng thời, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không truy cập vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản. Theo BHXH Việt Nam, khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời…

Giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng

Bộ Công an cũng vừa đưa ra cảnh báo đã phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản... của một số ngân hàng, để chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng các tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Các đối tượng đã lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân… nên đã nảy sinh ý định làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính.

Bộ Công an cảnh báo người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng,... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để đề nghị hỗ trợ làm thủ tục; không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ nhân thân, lai lịch để làm các thủ tục nêu trên, tránh tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng.

Hiện tại, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo quảng cáo cho vay tín dụng. Các đối tượng đã xây dựng các ứng dụng giả mạo giao diện giống ứng dụng quản lý cho vay tiền của các nhà cung cấp dịch vụ vay trực tuyến có uy tín trên thị trường. Khi khách hàng đồng ý, các đối tượng sẽ yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, ảnh chụp chứng minh nhân dân và địa chỉ chỗ ở.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển trước 2-3 triệu đồng để làm thủ tục hồ sơ, rồi chuyển thêm 20-30 triệu đồng để chứng tỏ năng lực tài chính... rồi chờ giải ngân khoản vay và sau đó bị bọn chúng chặn liên lạc...

Tội phạm lợi dụng không gian mạng diễn biến phức tạp

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, cùng với một tội phạm khác, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp.

Phát biểu thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho hay: “Có một số loại tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm trên không gian mạng, với các thủ đoạn tinh vi. Loại tội phạm này đang làm mưa làm gió trên không gian mạng trong thời gian gần đây, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong xã hội”.

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc… vẫn diễn ra công khai. Bên cạnh đó, một số đối tượng đã lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để đăng nhiều bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Cơ quan chức năng đã gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập 4.214 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc.

Với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, phổ biến của các loại tội phạm nói chung và tội phạm trên không gian mạng, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn lực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường năng lực, lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên vùng sâu, vùng xa, đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường để phổ biến rộng rãi pháp luật, nâng cao nhận thức cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nhìn nhận, với sự ảnh hưởng vô cùng to lớn của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi xâm phạm tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới.

Đồng thời, theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ cho biết, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng.

Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới và có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể và xác hợp hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vấn đề này trong thời gian tới, nhất là công tác phòng ngừa.

“Bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thì việc xử lý chưa kiên quyết, chưa nghiêm và chưa kịp thời của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này ngày càng tăng cao”, đại biểu Trần Chí Cường nói. /.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này