Để hai bộ Quy tắc ứng xử “thấm sâu” vào đời sống

09:26 | 04/11/2021
(LĐTĐ) Đến nay có thể khẳng định hai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố đã thực sự góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tuy nhiên, để hai bộ Quy tắc ứng xử “thấm sâu” vào đời sống cần phải tiếp tục triển khai một cách đồng bộ.
Báo chí Hà Nội tích cực tuyên truyền hai bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội: Chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử

Những cách làm hay, mô hình mới

Trong thời gian 2 tuần từ 26/10 đến 11/11, Đoàn kiểm tra do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành hai Bộ Quy tắc trên, theo ghi nhận tại quận Hà Đông, việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn quận đã và đang được triển khai linh hoạt, sáng tạo tại một số địa phương, các điểm di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng. Đặc biệt, Hà Đông vốn là địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Để hai bộ Quy tắc ứng xử  “thấm sâu” vào đời sống
Đoàn kiểm tra do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức kiểm tra việc áp dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Phạm Thị Hoà, 10 năm trước, quận Hà Đông đã triển khai mô hình ứng xử đúng mực trong tang lễ, hiếu hỉ, đám cưới. Từ đám cưới hàng trăm mâm nay chỉ còn 30 mâm; đám hiếu được thực hiện gọn gàng. Nhờ vậy, công tác triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống trên địa bàn quận tương đối thuận lợi, tạo thêm chuyển biến trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như nhân dân trong thực hiện nếp sống văn hóa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận.

Còn tại quận Thanh Xuân cũng đã có những cách làm hay, mô hình mới gắn thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử như xây dựng mô hình điểm Tổ dân phố văn hóa “5 không”. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà, nội dung các tiêu chí xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không” được niêm yết công khai tại các nhà hội họp, nhà sinh hoạt cộng đồng. Qua quá trình triển khai, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện trước đã lan toả đến nhiều hộ dân hưởng ứng noi theo. Đối với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quận Thanh Xuân thực hiện tuyên truyền trực quan tại trụ sở đơn vị, bộ phận một cửa như in bảng khổ lớn ở nơi dễ nhìn, dễ đọc với các nội dung nên làm và không nên làm. Ví như, 5 nội dung nên làm: “Giao tiếp, làm việc với nhân dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, có tinh thần cầu thị, lắng nghe; công tác, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.

Với khoảng 600 hồ sơ hành chính trên ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là đơn vị có số lượng giao dịch hành chính đứng đầu Thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công tác tại bộ phận một cửa đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với công dân. Với hệ thống xếp hàng tự động, camera an ninh giám sát cũng tạo sự công khai, nề nếp, yên tâm cho công dân, doanh nghiệp đến làm việc tại đây.

Vẫn còn những tồn tại

Bên cạnh những mô hình, cách làm hay vẫn còn những trăn trở trong việc tuyên truyền và thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử. Ví như, Hà Đông là địa phương có nhiều làng nghề như làng nghề dao kéo Đa Sĩ, làng mộc Phú Lương, làng lụa Vạn Phúc… Trong đó, Vạn Phúc hàng năm đón rất đông du khách nước ngoài cùng nhiều đoàn khách cấp cao của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế nơi đây vẫn chưa trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn, còn thiếu tính chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Phạm Thị Hoà lý giải, Hà Đông là quận tích hợp văn hoá của nhiều địa phương khác nhau do đó rất khó khăn cho việc triển khai các quy tắc ứng xử. Bà Hoà ấn tượng với hình ảnh cúi chào, cảm ơn và xin lỗi trong văn hoá của người Nhật và trăn trở việc hình thành nét ứng xử này của người dân vẫn xa vời.

Còn tại quận Thanh Xuân, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo chung của Thành phố, nhiệm vụ chính trị chủ yếu của địa phương là tập trung vào công tác phòng, chống dịch. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đôi lúc chưa được thường xuyên. Việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng mang tính chất vận động, khuyến cáo chứ chưa mang tính pháp lý và ý thức chấp hành của một số ít người dân còn hạn chế là một trong những khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Hay tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vẫn còn một số tồn tại như chưa thực hiện kiểm tra việc áp dụng bộ Quy tắc ứng xử tại Sở thường xuyên, liên tục; vẫn còn tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm; vẫn còn ý kiến về việc hút thuốc và không đeo thẻ công chức trong công sở.

Thời gian tới, đoàn kiểm tra của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đề nghị các đơn vị cần tăng cường hơn nữa mật độ, quy mô tuyên truyền các nội dung của hai bộ Quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó là đa dạng hơn nữa các phương pháp và hình thức tuyên truyền, vận động như tổ chức hội thi, tọa đàm gắn với các phong trào văn hóa ở cơ sở, đồng thời phải phù hợp với từng đối tượng, điều kiện của các địa phương. /.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này