Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0

13:14 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu; mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Tiếp tục giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá Thủ tướng yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu

Ngày 1/11, trong dịp dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã có cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ trao đổi nhân dịp Hội nghị COP26 lần này. Thủ tướng khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu, mang tính chiến lược của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh, hòa bình, kinh tế, phát triển ở khu vực và quốc tế.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn EU và các nước thành viên đã hỗ trợ kịp thời vắc xin và thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là việc kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của EU đã giúp vận chuyển vắc xin từ các nước thành viên cho Việt Nam; rất mong EC tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vắc xin và hỗ trợ thiết bị y tế.

Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch EC bà Ursula von der Leyen (Ảnh: TTXVN)

Bà Ursula von der Leyen cho biết, EU vừa trải qua làn sóng lây nhiễm mới dù tỷ lệ tiêm chủng cao, đạt 70%, ca nhiễm mới vẫn tăng cao; do đó, các quốc gia vẫn cần cảnh giác tác động của đại dịch và khẳng định EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua 2 kênh là xuất khẩu vắc xin trực tiếp và thông qua cơ chế COVAX.

Thủ tướng khẳng định hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - EU. Sau hơn một năm triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2021 đã đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 15% bất chấp các khó khăn của đại dịch Covid-19, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế của hai bên.

Để tranh thủ tối đa EVFTA, Thủ tướng đề nghị EU tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là nông sản, thủy sản, tranh thủ hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, EU có thế mạnh như thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh…; đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên hoàn tất phê chuẩn EVIPA, sớm đưa vào thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên. Chủ tịch EC chia sẻ và ủng hộ các đề xuất của Thủ tướng, nhất là trong việc triển khai phục hồi kinh tế.

Chủ tịch EC bà Ursula von der Leyen quan tâm, lắng nghe và chia sẻ các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về những chủ đề được thảo luận ở COP26; hoan nghênh cam kết và đóng góp của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu. EC cam kết mức phát thải bằng 0 đến năm 2050, cho rằng các quốc gia cần đặt mục tiêu tham vọng hơn mới có thể triển khai được. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu; mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Về vấn đề IUU, Thủ tướng thông báo đã chỉ đạo các địa phương triển khai các quy định chống khai thác IUU, các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp; đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng và hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung cho thị trường EU không bị gián đoạn. Chủ tịch EC vui mừng trước thông tin này và cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan EU xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc dỡ bỏ thẻ vàng.

Theo Liên hợp quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".

Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỷ tới.

L.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này