Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng

09:59 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Quốc hội khóa XV đang bàn về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật này với các văn bản pháp luật khác và bổ sung, điều chỉnh các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn... Qua đó, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả nhà đầu tư và khách hàng.
Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm Đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm Phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm

Luật chưa theo kịp thực tiễn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng
Toàn cảnh Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm, các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập...

Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro...

Quy định rõ 3 loại hợp đồng bảo hiểm cơ bản

Để phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã sửa nhiều nội dung về đối tượng áp dụng, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, quy định 3 loại hợp đồng bảo hiểm cơ bản (nhân thọ và sức khỏe, tài sản và thiệt hại, trách nhiệm dân sự) theo thông lệ quốc tế... Dự thảo cũng nêu rõ, Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có Giấy phép thành lập và hoạt động; hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép; hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.Thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gồm: Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm; xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

(Theo Điều 10, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi)

Trong đó, Dự luật đã bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi một số nội dung trong hợp đồng bảo hiểm nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và thực tiễn của thị trường; bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm; bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp; bổ sung yêu cầu công khai thông tin nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường...

Để tránh tranh chấp xảy ra, Dự luật quy định rõ việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và 5 nguyên tắc khác. Theo đó, các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin và thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Luật này.

Về bồi thường, số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được trong mọi trường hợp không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm chỉ số, tham số và bảo hiểm sức khỏe có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về việc áp dụng nguyên tắc khoán.

Đồng thời, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được…

Bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cần sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm, các quy định cấm. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát và làm rõ các quy định về hình thức hợp đồng, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Đồng thời, đề nghị rà soát thêm các quy định về quản lý Nhà nước, về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để cân bằng giữa kiến tạo và quản lý thị trường, không gây ách tắc cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng đảm bảo vai trò quản lý.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật đưa ra 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm không có giấy phép thành lập và hoạt động không đúng phạm vi được cấp phép, không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, trong thực tế, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin như tin nhắn, điện thoại.

“Việc nhắn tin điện thoại diễn ra thường xuyên, liên tục thực sự gây bức xúc cho người được nhắm đến. Vì vậy, có thể bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức”, đại biểu đề nghị.

Kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm theo mẫu

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), trên thực tế, hợp đồng bảo hiểm vẫn là hợp đồng theo mẫu, trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh hệ lụy nhất định và thường theo xu hướng có lợi cho doanh nghiệp hơn là người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, cần có thêm quy định liên quan đến việc kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm theo mẫu.

“Tuy quản lý Nhà nước không can thiệp vào việc kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch, hài hòa lợi ích không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm mà cả quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực này. Cụ thể, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khỏe, phải được Bộ Tài chính phê chuẩn về nội dung hợp đồng mẫu và các điều kiện sản phẩm, biểu phí”, đại biểu nói.

Đáng quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề cập đến việc lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. “Cứ người mua lại biến thành một đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn. Từ đấy hình thành đường dây đa cấp và dẫn đến rủi ro, đổ vỡ. Cần bổ sung các điều khoản quy định chặt chẽ hơn, hoặc nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên”, đại biểu nói./.

Ý kiến đại biểu:

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Phải quản lý chặt

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về nội dung cung cấp thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng

Về bảo hiểm vi mô, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đây là loại hình bảo hiểm mới, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, loại hình bảo hiểm này mang tính lợi nhuận không cao, còn rủi ro do đó cần có sự linh hoạt. Bộ Tài chính đề nghị đưa một số nội dung hướng dẫn cụ thể vào dự thảo nghị định của Chính phủ.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu về các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng cho hay, dự thảo Luật chỉ đưa vào 3 loại bảo hiểm bắt buộc, các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định tại các luật chuyên ngành, do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại. Bộ trưởng cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế, để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng được quy định rõ trong luật, các loại hình bảo hiểm khác thực hiện theo các luật chuyên ngành.

Về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính, theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Hoạt động bồi dưỡng, đào tạo đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội. Vì bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá… cho nên cần phải quản lý.

Đối với thời điểm có hiệu lực của Luật này, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh sửa thời điểm có hiệu lực của Luật bắt đầu từ ngày 1/1/2023, thay vì ngày 1/7/2023 như dự thảo gửi xin ý kiến trước đây... Theo Bộ trưởng, đây là luật có tính chất chuyên môn cao, do đó, cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện, đảm bảo chất lượng luật một cách tốt nhất.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội): Phân định rõ giữa các loại hình bảo hiểm

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội), để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần có quy định rõ và có sự phân định giữa các loại hình bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm an sinh xã hội. Đặc biệt, với các loại bảo hiểm mang tính chất an sinh xã hội thì cần có những tiêu chí, hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ các quyền lợi được hưởng của người tham gia và người được thụ hưởng.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng

Đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc áp dụng các biện pháp để tránh, hạn chế những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm. Vì vậy, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cũng cần có trách nhiệm đề phòng hạn chế tổn thất, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tổn thất; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, cần có sự phân biệt giữa bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) với bảo hiểm có tính chất kinh doanh, bởi khi kinh doanh là có cạnh tranh.Trong đó, có bảo hiểm nhân thọ là một loại hình bảo hiểm kinh doanh nên người mua có quyền được hướng dẫn những rủi ro tổn thất, còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam): Không nên đẩy trách nhiệm cho người mua

Góp ý xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này là rất cần thiết. Bởi vì qua 20 năm thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm, một số nội dung không còn phù hợp so với thực tiễn. Hơn nữa, có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm thì người dân có nhiều lựa chọn để tham gia và giảm bớt rủi ro cho người tham gia.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Nam cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, cụ thể: Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo hiểm phục vụ cho người dân chưa đến nơi, đến chốn; nhiều trường hợp người dân tham gia bảo hiểm khi xảy ra bất trắc thì việc thanh toán bảo hiểm thường khó khăn, thủ tục rườm rà, đi lại nhiều lần, có khi người mua bảo hiểm được thanh toán khoản bảo hiểm rủi ro này, thì chi phí cho việc làm thủ tục còn cao hơn khoản được nhận. Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải có chế tài để người kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm đối với người tham gia (người mua) bảo hiểm cho chặt chẽ.

Về nội dung tại Khoản 4, Điều 13 quy định nguyên tắc thế quyền, là người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm, để yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Dương Văn Phước, quy định như thế là đẩy trách nhiệm cho người mua bảo hiểm. Trách nhiệm đi đòi người thứ ba gây thiệt hại phải thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, nhiều trường hợp người thứ ba gây thiệt hại phải bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp không thể đòi được vì họ thuộc diện hộ nghèo, không có tài sản. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhân đạo (chia sẻ rủi ro) trong trường hợp trên, hoặc có cơ chế để doanh nghiệp bảo hiểm trích dự phòng rủi ro, bù đắp phần kinh phí thâm hụt do rủi ro này gây ra.

Tuấn Minh (Ghi)

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này