Khi an toàn lao động được đặt lên hàng đầu

09:58 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Những năm qua, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong doanh nghiệp luôn được các công ty, đơn vị và các cấp Công đoàn Thủ đô quan tâm, tuyên truyền. Tuy nhiên, chỉ khi ý thức của người lao động được chuyển hóa thành hành vi, thì các vụ tai nạn lao động mới được giảm thiểu tối đa.
Đảm bảo an toàn lao động góc nhìn từ một doanh nghiệp Hướng dẫn doanh nghiệp vừa thực hiện cách ly, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn Sát sao công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống rủi ro tai nạn nghề nghiệp

Những điểm sáng trong công tác an toàn lao động

Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động là một những vấn đề được quan tâm tại các công ty, doanh nghiệp. Khi từng đơn vị thực hiện tốt biện pháp an toàn lao động sẽ giúp công nhân lao động an tâm làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Với phương châm “an toàn là trên hết”, ngay từ ngày đầu thành lập tới nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Canon Việt Nam luôn đặt vấn đề an toàn, sức khỏe của người lao động lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Duy Minh – Trưởng phòng An toàn sản xuất Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: Công ty TNHH Canon Việt Nam là Công ty sản xuất ngành công nghiệp nhẹ, loại hình sản xuất chủ yếu là lắp ráp thiết bị điện tử. Tuy vậy, trong quá trình làm việc vẫn có thể xảy ra những rủi ro, mất an toàn lao động như dập kẹp, xước tay chân, va đập… nếu công nhân thiếu cảnh giác.

Khi an toàn lao động được đặt lên hàng đầu
Người lao động luôn mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn. Ảnh: Phương Ngân

Nhận thức những nguy cơ như trên và với mục tiêu xây dựng một môi trường lao động an toàn, Ban lãnh đạo, Công đoàn Công ty và đặc biệt là phòng An toàn sản xuất đã tham mưu và phối hợp triển khai nhiều biện pháp thiết thực trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, việc nâng cao ý thức, tổ chức đào tạo khả năng xử lý tình huống cho công nhân lao động khi có sự cố xảy ra là một trong những hoạt động được tổ chức thường xuyên, nhằm tăng sự chủ động của người lao động, để họ tự ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mình, đồng nghiệp và giữ an toàn cho nhà máy.

“Ngay từ khi tuyển chọn lao động đầu vào, Công ty đã đào tạo cho công nhân, kỹ thuật viên về vấn đề an toàn vệ sinh lao động liên quan đến từng bộ phận làm việc và dây chuyền sản xuất. Tại nhà máy ở Khu Công nghiệp Thăng Long, với khoảng 7.500 công nhân lao động, hoạt động đào tạo được diễn ra hằng ngày, hàng tháng trong năm, đảm bảo cho tất cả mọi người được tiếp cận.

Bên cạnh đó, Công ty cũng có mô hình đào tạo riêng có tên là KYT. Mỗi tuần, Công ty sẽ dành 5-7 phút của một buổi sáng tập huấn thực tế cho công nhân. Mỗi buổi là 1 chủ đề, 1 tình huống hoặc thao tác bất kì để công nhân tự nhận định, đánh giá rủi ro, nguy cơ tai nạn lao động, từ đó đề ra biện pháp phòng tránh. Mô hình này được đánh giá là mang lại hiệu quả cao khi tự bản thân công nhân nhìn ra nguy cơ mất an toàn”, ông Nguyễn Duy Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Minh cũng cho biết thêm, Công ty TNHH Canon Việt Nam còn có hoạt động hết sức riêng biệt có tên “Mắt đại bàng” để khuyến khích công nhân tìm ra những điểm rủi ro trong quá trình sản xuất. Khi phát hiện ra nguy cơ, công nhân sẽ báo lại với quản lý để kịp thời có những phương án khắc phục. Nhằm khuyến khích công nhân lao động, với mỗi lỗi phát hiện dù là nhỏ nhất, đơn giản nhất, Công ty sẽ thưởng cho người lao động với số tiền là 100 ngàn đồng/lỗi.

Nâng cao hơn nữa nhận thức của công nhân, hằng ngày, Công ty cũng có bộ phận phát thanh những bản tin về an toàn lao động đến toàn nhà máy. Ngoài ra, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cũng tích cực tham gia vào việc tạo môi trường làm việc an toàn, phối hợp với các ban chuyên môn định kỳ mời chuyên gia tại các trung tâm huấn luyện của Cục an toàn vệ sinh lao động về đào tạo cho cán bộ quản lý và an toàn viên; duy trì khám sức khỏe định kỳ cho người lao động...

Không chỉ được trang bị về mặt kiến thức, ở Công ty TNHH Canon Việt Nam, công nhân còn được trang bị đầy đủ trang phục và dụng cụ bảo hộ lao động theo đặc thù từng bộ phận. Ví dụ, bộ phận lắp ráp sẽ được phát giày vải, bộ phận liên quan đến bản mạch sẽ được phát giày tĩnh điện… Việc đánh giá an toàn trang phục được thực hiện trong 3 bước, từ khi thiết kế đến khi đưa vào sử dụng. Đây là những yếu tố quyết định đến chất lượng và năng suất lao động, hiệu quả sản xuất đồng thời mang ý nghĩa tạo niềm tin của người lao động đối với chính sách phát triển nhà máy, để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với Công ty.

Trách nhiệm của doanh nghiệp và Công đoàn

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội ý thức được việc đảm bảo an toàn lao động; tổ chức Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra. Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam là công ty liên doanh có trụ sở tại thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Đây cũng là một trong những Công đoàn cơ sở có nhiều công nhân lao động trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mê Linh. Hiện tại, Công ty đang có trên 1.000 lao động làm việc trực tiếp tại các bộ phận, phân xưởng, thường xuyên phải tiếp xúc với máy móc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn.

Xác định được tầm quan trọng của vấn đề an toàn vệ sinh lao động, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân lao động. Là lao động gắn bó với Công ty đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy luôn tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động do Công ty tổ chức.

Theo chị Thúy, khi tham gia vào các lớp tuyên truyền, chị và mọi người sẽ được thông tin cụ thể về tình hình an toàn của Công ty. Nếu phát hiện vấn đề bất cập, Ban An toàn sẽ phân tích để người lao động nhận biết điểm không an toàn; cách xử lý khi nhận biết điểm không an toàn; hướng dẫn mọi người phòng tránh khi gặp các tình huống mất an toàn…

“Nếu như không có lớp học về an toàn vệ sinh lao động, sẽ có rất nhiều tình huống, nhiều sự việc, thông tin mọi người không biết. Ví dụ với một vụ tai nạn, mọi người chỉ biết là có vụ tai nạn đó mà không biết nguyên nhân do đâu, bởi vậy sẽ không biết cách để phòng ngừa. Qua lớp học này, mình đã biết thêm về các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân khi tham gia lao động sản xuất”, chị Thúy cho hay.

Theo chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam Nguyễn Đăng Toàn, việc đảm bảo an toàn lao động được Công ty nghiêm túc triển khai thực hiện tới tất cả người lao động đang làm việc tại công ty. Nhờ đó, Công ty không xảy ra tình trạng mất an toàn lao động. Công đoàn Công ty cũng chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng các quy định về an toàn vệ sinh lao động cụ thể, phù hợp cho từng công việc hay nhóm người lao động; phát huy mạng lưới an toàn vệ sinh viên, chú trọng đầu tư, huấn luyện, đào tạo, thực hiện biện pháp an toàn trước, trong và sau giờ làm việc.

Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan, hiện nay, LĐLĐ Mê Linh đang quản lý trực tiếp 37 doanh nghiệp với 2.150 công nhân lao động. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên 95%), sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật còn lạc hậu. Một bộ phận công nhân lao động ở các doanh nghiệp là lao động nông thôn, chưa qua đào tạo; trình độ nghề nghiệp, tác phong kỷ luật lao động còn hạn chế; cán bộ làm công tác an toàn lao động ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm…

Ở góc độ là người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh cho rằng, để hạn chế tai nạn lao động, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn, người tham gia lao động cần tích cực chủ động hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; chú trọng xây dựng văn hóa an toàn đi vào thực chất; thiết lập ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn dù ở đâu, bất kỳ công việc nào. /.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này