Không lạm dụng rượu bia vì sức khỏe và năng suất lao động

Kỳ 5: Hãy cẩn trọng với rượu, bia không rõ nguồn gốc

18:22 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia y tế, lạm dụng rượu, bia rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng rượu, bia tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu công nghiệp chứa methanol chính là nguyên nhân gây nên nhiều vụ ngộ độc rượu, thậm chí là tử vong thương tâm.
Kỳ 4: Nói không bia, rượu chốn học đường Kỳ 3: Quy định đã có không thể nói khó triển khai Kỳ 2: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia - hãy nhớ một số điều Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết

Từ vong do hạ đường huyết

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp ngộ độc, suy đa tạng, thậm chí tử vong do uống rượu. Điển hình, đầu năm 2021 đã có trường hợp một nam thanh niên 29 tuổi ở Hưng Yên dù được các bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực nhưng đã tử vong do uống quá nhiều rượu.

Kỳ 5: Hãy cẩn trọng với rượu, bia không rõ nguồn gốc
Một trong những mẫu rượu bệnh nhân uống dẫn đến bị ngộ độc được người nhà mang đến, đem đi xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol là 20,21%, trong khi đó hàm lượng ethanol chỉ có 11,42%. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trước đó, bệnh nhân có đi uống rượu cùng bạn, rồi về nhà ngủ. Tối gia đình gọi dậy ăn tối, nhưng bệnh nhân này nói không muốn ăn. Đến sáng hôm sau, khi người nhà vào gọi dậy thì bệnh nhân đã không có phản xạ, chân tay lạnh, duỗi cứng...

Ngay sau đó, người thân đưa bệnh nhân đến bệnh viện huyện để cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, phải đặt nội khí quản. Kết quả chụp cắt lớp vi tính não cho thấy có tổn thương não lan tỏa ở hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi bị đột quỵ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hoá, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm, bệnh nhân trên được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Hai ngày sau nhập viện, gia đình xin cho bệnh nhân về vì không có khả năng cứu chữa. Bệnh nhân tử vong sau đó.

Bác sĩ Nguyên cho biết đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol). Hầu hết các bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn đến tử vong là người trong độ tuổi lao động, phần lớn là thanh niên. Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là do uống nhiều rượu dẫn mức hạ đường huyết.

"Thành phần ethanol trong rượu sẽ gây hạ đường huyết, trong khi bản thân người uống rượu lại không ăn (tinh bột, đạm) trong quá trình uống rượu hoặc đến khi về nhà ngủ luôn và không muốn ăn gì. Đây là lý do khiến đường huyết giảm sâu, nếu cơ thể người đó lại gầy gò không có năng lượng dự trữ sẽ bị suy kiệt và tử vong do hạ đường huyết. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi trung tâm hô hấp bị ức chế dẫn đến thở yếu, khò khè, thiếu oxy, tổn thương não và tử vong" - bác sĩ Nguyên giải thích.

Theo bác sĩ Nguyên, không uống rượu là cách tốt nhất để dự phòng nguy cơ ngộ độc rượu, nhưng trong trường hợp gia đình có người thân hoặc bạn bè uống rượu, cách tốt nhất là nên khuyên họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, sữa, nước canh, nước cháo loãng... để bù năng lượng cho cơ thể. "Với các loại thuốc giải rượu được hầu như không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Do đó cách tốt nhất là không lạm dụng rượu, bia" - bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Gia tăng tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol

Với những người uống rượu, dấu hiệu ngộ độc thường là gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ nói một số từ, không thể đi lại được, không thể tự đi, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp, lờ đờ, ngồi một chỗ, co giật, nôn ọe nhiều lần, đau đầu... Những trường hợp uống nhiều rượu nếu không thể tự ăn hoặc có dấu hiệu trên sau khi uống rượu cần đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đáng lo ngại, thời gian gần đây, việc sử dụng rượu tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn tới tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol lại có chiều hướng gia tăng. Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Gần đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang tăng lên. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi chủ yếu do 2 nguồn: Thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Nguyên nhân thứ 2 là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc".

Methanol vào trong cơ thể lúc đầu ngay sau uống cũng gây say giống rượu uống, rượu cũng có vị không khó chịu (thực tế hơi ngọt). Tuy nhiên, lúc người uống tỉnh tại thì nghĩ là hết say nhưng khi đó (sau uống 1-2 ngày) methanol trong cơ thể âm thầm được chuyển thành axit formic rất độc, máu bị nhiễm axit gây thở nhanh và sâu giống như khó thở, tổn thương với mắt gây nhìn mờ, mù, với não gây hoại tử não, phù não, hôn mê và dễ tử vong.

Ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu giả nên người uống không biết là uống phải rượu độc, lại biểu hiện chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt tử vong từ 30-50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt.

Bởi vậy, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol thì cần quản lý chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, quản lý các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường. Người dân thì nên hạn chế uống rượu, khi mua rượu thì cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả nơi bán cũng phải chính thức (có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng). Còn nếu người dân cứ mua bán rượu trôi nổi, không kiểm soát như hiện nay thì càng tạo điều kiện cho những người sản xuất và kinh doanh hàng giả và gây ngộ độc cho người mua.

Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol.

2. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.

3. Không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.

4. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu.

6. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu, bia.

7. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này