Thu phí phương tiện vào nội đô: Để thực hiện mục tiêu “ba giảm”

09:59 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Thông tin về “Đề án thu phí nội đô” đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội cần tính toán kỹ về chủ trương này, nhất là trong bối cảnh giao thông công cộng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Nghiên cứu thu phí phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc Góp phần giải bài toán kinh tế và môi sinh

Mục tiêu giảm ùn tắc giao thông

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ; kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung trong đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng hơn.

Thu phí phương tiện vào nội đô: Để thực hiện mục tiêu “ba giảm”
Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng các đề án với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên áp dụng thu phí phương tiện vào nội đô khi giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến Vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết tập trung đông người.

Từ thực tế này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chủ trì xây dựng đề án thành phần có tên “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”, được thực hiện dựa trên Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017, xác định nhiệm vụ tăng cường quản lý phương tiện giao thông đồng bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo báo cáo Đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150km2.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt. Trong đó triển khai làm 3 giai đoạn, đầu tư thí điểm 15 trạm ở giai đoạn 1; 59 trạm tại giai đoạn tiếp theo và hoàn thiện 13 trạm cuối trong thời gian còn lại. Việc thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây ùn tắc giao thông tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Đề án tạm thời đưa ra mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm. Theo đề án, sẽ cần khoảng 2.646 tỷ đồng đầu tư cho 87 trạm thu phí này.

Đối với lộ trình triển khai, dự kiến từ năm 2021-2025 sẽ từng bước nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí; giai đoạn 2025-2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Đề án này chỉ xác định một mức phí tối thiểu với mục tiêu phi lợi nhuận chỉ đủ bù đắp một phần chi phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí; mức phí cao vừa đủ để tác động đến hành vi tham gia giao thông và đem lại hiệu quả giảm ùn tắc hợp lý. Mức phí này được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc thu phí.

Bài toán giao thông công cộng

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho biết, trên thế giới có nhiều thành phố áp dụng việc thu phí nội đô, nhưng cũng có nhiều nước không áp dụng. Ở nước ta đây cũng là vấn đề mới nên có nhiều băn khoăn.

Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng để thu phí phương tiện đi vào nội đô, Hà Nội phải kiểm soát được các ngõ ngách trong vành đai 3. Khi thu phí, sẽ có nhiều phương tiện đổ về những vị trí không đặt được thiết bị thu, tạo ra sự dịch chuyển dòng giao thông, gây ùn tắc cục bộ tại các vị trí này. “Việc thí điểm đặt trạm thu phí trên 9 tuyến đường trục thì lái xe sẽ né, tràn ra các đường nhỏ. Do đó, nếu phải triển khai, Thành phố nên đặt thiết bị thu ở tất cả tuyến đường vào trung tâm”, ông Bình nói.

Ngoài ra, chuyên gia giao thông này cho rằng Hà Nội cần có giải trình về việc sử dụng nguồn phí thu được. “Hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể. Khoản phí thu được nêu với mục đích giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, vậy sẽ được bổ sung vào ngân sách xây dựng hạ tầng như thế nào? Đó là chưa kể nhiều người vẫn chấp nhận trả phí để chạy xe, như vậy mục tiêu giảm phương tiện các nhân là không thực hiện được”, Tiến sỹ Phan Lê Bình nói.

Đề án thành phần có tên “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” được thực hiện dựa trên Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017, xác định nhiệm vụ tăng cường quản lý phương tiện giao thông đồng bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương thu phí ôtô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, để triển khai, chính quyền Thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt “bài toán khó”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc nghiên cứu giải pháp thu phí xe vào nội đô để hạn chế ùn tắc trong khu vực này như các nước đã thực hiện là cần thiết. Nhưng tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó.

“Nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế. Hệ thống giao thông công cộng phải đảm nhận đủ nhu cầu đi lại của người dân thì mới có thể khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Nếu vận tải công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn thực hiện thu phí xe cá nhân với mục đích làm khó, hạn chế đi vào khu vực hay ùn tắc thì chưa hiệu quả”, ông Quyền nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, đề án thu phí của thành phố Hà Nội chỉ nên thực hiện khi các phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt hơn 10%.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Danh Liên, để Hà Nội có thể thực hiện được đề án thu phí ô tô vào nội đô rất cần nhiều điều kiện đi kèm. “Tương lai của Hà Nội là thành phố văn minh, hiện đại, áp dụng kỹ thuật số, giải pháp vận tải thông minh để điều hành. Vì vậy, không thể thực hiện phương pháp thủ công. Đây là vấn đề xã hội, chứ không đơn thuần là việc số tiền thu được bao nhiêu? Vấn đề nữa là để thu được phí thì phải được Quốc hội thông qua mức phí, lệ phí, kèm theo là sử dụng phí đó như thế nào”, ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm. Theo thống kê, hiện nay, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó ô tô là 0,6 triệu xe, xe máy là trên 5,6 triệu xe. /.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này