Để Thủ đô Hà Nội thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc

Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém

17:24 | 31/10/2021
(LĐTĐ) Hà Nội là một đô thị đông dân cư với mật độ dân số lớn tập trung tại các khu vực trung tâm. Bởi vậy, nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngay tại Thủ đô, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Tình trạng phương tiện tham gia giao thông “leo vỉa hè”, vượt đèn đỏ… vẫn diễn ra phổ biến.
Kỳ 3: Ì ạch giảm tải cho hạ tầng giao thông Kỳ 2: Góc nhìn từ quy hoạch Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải

Nan giải như câu chuyện ý thức

Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, thông minh xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Không khó để thấy hạ tầng giao thông bị quá tải khi tình trạng này diễn ra ngày càng nặng thêm do chưa gắn kết được quy hoạch hạ tầng giao thông với các quy hoạch đô thị khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch nhà ở, quy hoạch môi trường đô thị…

Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém
Hiện tượng tham gia giao thông nhưng không chấp hành đội mũ bảo hiểm vẫn còn tái diễn ở Thủ đô. (Ảnh: Giang Nam)

Ngoài ra, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn, các loại hình vận tải hành khách công cộng chưa phát triển... tất cả đều là những vấn đề cần lưu tâm và cần sớm khắc phục.

Trước mắt, để “dài hơi” hơn trong phát triển, đòi hỏi Thủ đô phải có sự đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông. Đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai là tiền đề đặc biệt quan trọng.

Trong bối cảnh giao thông Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức, không ít ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe ngoài một phần nguyên nhân từ hạ tầng giao thông ở ta còn yếu, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của xã hội thì ùn tắc còn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, trên các tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp những người đi xe máy không chấp hành đội mữ bảo hiểm, trong đó có không ít những "nam thanh, nữ tú"...

Đáng nói, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, cũng thường xuyên có các video, ảnh chụp đăng tải người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, đi ngược chiều, đi vào đường cấm… hệ lụy nhãn tiền là gây ra va chạm, tai nạn dẫn tới thương tích.

Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém
Hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, nếu ý thức của người tham gia giao thông không cao sẽ khiến ùn tắc ngày càng trở nên nan giải. (Ảnh: Giang Nam)

Lấy ví dụ từ câu chuyện không tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Qua trao đổi với các lực lượng Cảnh sát giao thông chốt trực, tuần tra, kiểm soát giao thông tại các quận nội đô, trước đây khi các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên ngành thường xuyên triển khai chiến dịch tuyên truyền, xử lý tình trạng không đội mũ bảo hiểm, người dân đều chấp hành, tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm tốt. Song, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tập trung xử lý các hiện tượng khác, thì tình trạng vi phạm ở hành vi này lại xảy ra nhiều hơn, gây mất an toàn cho chính bản thân người lái xe và những người tham gia giao thông khác. Thậm chí, người dân ở các đô thị lớn, khu vực trung tâm lại có xu hướng vi phạm nhiều hơn vùng nông thôn, thể hiện sự thiếu tôn trọng luật lệ và thiếu văn hóa giao thông.

Tương tự, tình trạng “leo vỉa hè”, vượt đèn đỏ… cũng vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể, trên nhiều trục giao thông của Thủ đô, vào thời điểm tan tầm, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy đổ ra đường, diện tích mặt đường có hạn, dẫn đến nhiều xe máy đi lên vỉa hè - không gian chỉ dành riêng cho người đi bộ.

Đáng nói, theo nhiều chuyên gia giao thông, hành vi leo xe lên vỉa hè, lấn làn, vượt đèn đỏ… đôi khi còn là hiệu ứng đám đông theo kiểu “anh đi được, tôi cũng đi được”. Nói cách khác, nhiều người tham gia giao thông theo tâm thế bị động, chịu tác động của hiệu ứng đám đông. Họ đều hiểu được rằng, nếu đi đúng làn đường, đúng chỉ dẫn của Cảnh sát giao thông thì vấn đề tắc đường sẽ được giải quyết song vì ganh đua “ai nhanh hơn” giữa các phương tiện, thấy người khác vi phạm nên mình cũng vi phạm.

“Phải khẳng định hạ tầng giao thông yếu kém là nguyên nhân chính gây tắc đường song ý thức của người tham gia giao thông lại là nguyên nhân khiến cho nạn tắc đường càng trầm trọng. Hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy, nếu ý thức giao thông của mọi người được nâng cao thì chắc chắn sẽ đỡ nhiều”- anh Ngô Đức Khiêm, phường Phú Lãm (quận Hà Đông) chia sẻ.

Quanh câu chuyện này, nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi. “Những nạn nhân tử vong do tai nạn để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Còn người bị thương ở lại thì tàn tật suốt đời và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được” - nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, nguyên nhân đưa đến tai nạn và ùn tắc giao thông rất đa dạng và phức tạp, trong đó có sự tác động tiêu cực của những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông, không tự giác thực hiện những quy định của luật lệ giao thông như: Đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, đi xe lên vỉa hè, chở người quá quy định, uống rượu bia, sử dụng ma túy khi lái xe, chen lấn, lạng lách, đi xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái, đi bộ qua đường tùy tiện, đua xe bất hợp pháp, không đội mũ bảo hiểm, gây gổ khi va chạm trên đường, chống lại người thi hành công vụ…

Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém
Hội thi lái xe mô tô giỏi, an toàn do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức thường niên là hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn cho công nhân, viên chức, người lao động. (Ảnh: Giang Nam)

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, xây phải đi đôi với chống và bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, chúng ta cần phải có biện pháp mạnh tay xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Đơn cử việc cấm uống rượu, bia, nghe điện thoại di động khi lái xe được đề ra từ lâu, nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra thường xuyên trên đường phố và việc xử phạt chưa thật nghiêm túc, mang tính răn đe, cho nên đối tượng bị phạt vẫn tái phạm và tình trạng này dần trở thành chuyện bình thường trong suy nghĩ của không ít người.

Còn nhớ thời kỳ mới đề ra việc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, tuyên truyền vận động mãi vẫn có nhiều ý kiến bàn ra, bàn vào cho rằng bất tiện, song khi đã trở thành quyết định mang tính pháp lý buộc mọi người phải tuân thủ, ai không chấp hành sẽ bị xử phạt thì mọi chuyện lại đâu vào đó và cho đến nay, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen của nhiều người dân.

Theo ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, như ở các lĩnh vực khác, việc hình thành văn hóa giao thông cần sự tuyên truyền, vận động kiên trì, thường xuyên, lâu dài theo các tiêu chí nhất định, theo từng đối tượng và loại hình giao thông.

Chẳng hạn, để nhân rộng những “hạt nhân” có ý thức tuân thủ và chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông, năm nào Công đoàn ngành cũng tổ chức Hội thi “tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô giỏi, an toàn. Đây là hoạt động ý nghĩa, là sân chơi bổ ích, lành mạnh và thực tế giúp đoàn viên, công nhân viên chức lao động nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.

Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém
Các cầu vượt nhẹ được lắp đặt ở nội đô góp phần giảm tải ùn tắc giao thông ở các điểm giao cắt, các nút giao thông trọng điểm. (Ảnh: Giang Nam)

Đặc biệt, mỗi thí sinh tham gia hội thi đều sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông và xây dựng thói quen trong việc thực hiện Luật Giao thông; biết xử lý các tình huống nếu xảy ra va chạm giao thông; lan tỏa kỹ năng, văn hóa giao thông.

Ứng xử văn hóa trong giao thông sẽ góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho đường phố, xây dựng đô thị văn minh, trật tự, an toàn cùng nền nếp và lối sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Bởi vậy, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng luôn cần được chú trọng và làm thường xuyên, liên tục. Mỗi người hãy tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông từ ngay trong những hành động nhỏ, để chúng ta có một xã hội giao thông an toàn.

(Còn nữa)

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này