Chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông:

Kỳ cuối: Hướng đến những giải pháp cụ thể

09:49 | 01/11/2021
(LĐTĐ) Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn, cần xem xét đánh giá tổng thể các yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông, các hệ thống quy định trong Luật giao thông, các Nghị định hướng dẫn nghiên cứu kỹ thực trạng, nguyên nhân để có giải pháp cụ thể, phù hợp.
Kỳ 5: Để khẩu hiệu “đã lái xe thì không rượu, bia” đi vào cuộc sống Kỳ 4: Làm thế nào để tai nạn giao thông giảm? Kỳ 3: Không thể đường càng đẹp tai nạn lại tăng Kỳ 2: Vì sao tại nạn giao thông vẫn cao Kỳ 1: Khi các văn bản quy phạm đã đủ

Từ nhận thức đến hành động

Nhìn lại kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng năm 2021 cho thấy lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tai nạn giao thông giảm sâu ở cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Trong đó, tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh do tình hình dịch Covid-19 dẫn đến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, thì sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ... trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và sự thay đổi nhận thức từ một bộ phận không nhỏ người dân cũng đóng vai trò chủ đạo không kém.

Ngay từ năm 2012, lần đầu tiên nước ta đã có chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu giảm số người chết, bị thương do tai nạn giao thông một cách bền vững. Giai đoạn 2031-2045, hằng năm, giảm tai nạn giao thông đường bộ ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), hướng đến mục tiêu không còn người chết do tai nạn giao thông đường bộ.

Kỳ cuối: Hướng đến những giải pháp cụ thể
Ngay từ năm 2012, lần đầu tiên nước ta đã có chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Khách quan nhìn nhận, dù đã đạt những kết quả tích cực, nhưng tình hình tai nạn giao thông ở nước ta vẫn có diễn biến phức tạp, chuyển biến chưa thật bền vững. Rất dễ dàng bắt gặp ở các quán nhậu, nhất là các quán bia hơi, nhiều thực khách bước ra từ quán, mặt đỏ phừng phừng nhưng vẫn tự điều khiển phương tiện giao thông rời quán.

Hay như tình trạng không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, không tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hoặc đơn cử trong việc quay đầu xe thì người tham gia giao thông cũng lựa quãng đường ngắn nhất để quay đầu cho dù có đang đi ngược chiều. Nguy hiểm hơn, dù đã có những quy định rõ về việc phân chia làn đường cho các phương tiện tham gia giao thông nhưng tình trạng ô tô xe máy lấn làn ngày càng nhiều và không có dấu hiệu chấm dứt.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi. “Những nạn nhân tử vong do tai nạn để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Còn người bị thương ở lại thì tàn tật suốt đời và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được”, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Duy trì các cú đấm thép

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị nhận định, “Văn hóa nhậu” đã ăn rất sâu vào ý thức của nhiều người dân, chỉ vài tháng hay vài năm để thay đổi hoàn toàn là không khả thi. Khi mới thực thi, phạt nhiều, thổi nồng độ cồn liên tục nên người tham gia giao thông sợ. Họ không uống hoặc uống xong thì thuê xe về. Thậm chí, có người mai đi xa cũng không dám uống rượu bia.

Kỳ cuối: Hướng đến những giải pháp cụ thể
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, một số quy định tại Nghị định 100 đã bộc lộ nhiều bất cập khi chưa quy định chi tiết về các hành vi vi phạm.

“Sau giãn cách, người dân phấn khởi nên có cớ gặp nhau vui chơi những cuộc gặp mặt như vậy thường khó thiếu rượu bia. Trong khi việc xử phạt không được như ban đầu, thế là người dân uống 1-2 lần không thấy phạt, thói quen chưa tốt có dịp quay trở lại. Tôi nghĩ nếu chỉ làm theo phong trào thì việc xử phạt theo Nghị định 100 nguội dần là điều dễ hiểu”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho hay.

Thực tế, việc xử lý các “ma men” cũng không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Đội Cảnh sát giao thông số 14, quá trình xử lý vi phạm cũng gặp một số khó khăn trong đó có việc người ăn nhậu sử dụng chiêu trò để qua mắt lực lượng chức năng. Đơn cử như chia thành các nhóm và cảnh báo nhau khi nhìn thấy lực lượng chức năng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, qua gần 2 năm triển khai thực hiện, một số quy định tại Nghị định 100 đã bộc lộ nhiều bất cập khi chưa quy định chi tiết về các hành vi vi phạm. Đơn cử như Điều 80 của nghị định này quy định thủ tục “phạt nguội”, song trên thực tế, việc xác định chủ phương tiện không đơn giản, bởi nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau nhưng chưa sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số...

Để đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 là cần thiết và cấp bách, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là từ ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 có hiệu lực.

Ứng dụng tối đa công nghệ

Trước đó, tại hội nghị về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã kiến nghị 4 vấn đề quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Kỳ cuối: Hướng đến những giải pháp cụ thể
Cần ứng dụng tối đa các giải pháp công nghệ trong giao thông.

Về giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo nên nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, an ninh - quốc phòng phục vụ kinh tế là nhiệm vụ rất lớn. Chính vì vậy, rất cần có quy hoạch và phương hướng để các ngành, các cấp bố trí chủ động con người, phương tiện, thiết bị phục vụ phát triển kinh tế.

Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã công bố, từ 1/7/2021, khi Luật Cư trú có hiệu lực, các kết nối phải đảm bảo đồng bộ với dữ liệu này thì sẽ làm được rất nhiều việc. “Thực tế, đã triển khai hệ thống công nghệ ở các tuyến nhưng chưa đồng bộ. Chính vì vậy, muốn chống lãng phí, đảm bảo hiệu quả nhanh thì phải đồng bộ sớm để các tỉnh, thành phố, bộ ban ngành khi triển khai các dự án liên quan đến an toàn giao thông thì chúng ta đồng bộ ngay”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị.

Đề xuất thứ 2 đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT giai đoạn 2019-2021. Qua đó, Ủy ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố phải bám sát đề cương để chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác an toàn giao thông, rút kinh nghiệm những việc đã làm tốt, những việc cần khắc phục.

Kỳ cuối: Hướng đến những giải pháp cụ thể
Các lỗi vi phạm trong giao thông đường bộ chủ yếu nằm ở "ý thức".

Thứ 3, Bộ Công an sẽ chỉ đạo mở các cao điểm về đảm bảo an toàn giao thông mạnh mẽ, sát tình hình thực tế. Trong đó, sẽ đồng bộ việc xử lý vi phạm và tuyên truyền. Việc tuyên truyền tập trung ở các nhóm hành vi, nhóm đối tượng, khu vực sẽ khác nhau để dễ tiếp cận, thực hiện hơn. Cùng với việc xử lý, sẽ tăng cường phối hợp, gắn trách nhiệm giữa 3 ngành: Công an, Kiểm sát, Toà án để điều tra, truy tố các hành vi gây mất an toàn giao thông.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ủy ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố rà soát lại tất cả các kiến nghị để chắt lọc, ưu tiên những kiến nghị nào cần khắc phục, xử lý trước, những việc gì cần làm sau để thực hiện.

Đồng tình với nhận định này, để tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí, nhiều chuyên gia nhất trí rằng, trước mắt, cần thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ. Lực lượng chức năng cần duy trì tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, những kết quả bước đầu thực hiện xử lý “phạt nguội” cho thấy, đây là biện pháp rất hiệu quả. Biện pháp này cần tiếp tục nhân rộng trong giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và để làm được điều này, cơ quan chức năng cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc về hoạt động vận tải, phương tiện, lái xe vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này