Không lạm dụng rượu bia vì sức khỏe và năng suất lao động

Kỳ 3: Quy định đã có không thể nói khó triển khai

21:37 | 30/10/2021
(LĐTĐ) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia ngay trước, trong và nghỉ giữa giờ. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đồng thời hạn chế tác hại do sử dụng rượu, bia của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Kỳ 2: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia - hãy nhớ một số điều Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết

Cấm cán bộ công chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định cụ thể về việc cấm cán bộ công chức uống rượu bia. Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 5 Luật này ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập”.

Cụ thể, 3 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không được uống rượu bia gồm: Uống rượu bia ngay trước giờ làm việc, học tập. Uống rượu bia ngay trong giờ làm việc, học tập. Uống rượu bia vào lúc nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Kỳ 3: Quy định đã có không thể nói khó triển khai
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định cụ thể về việc cấm cán bộ công chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 đợt 4)

Đây là lần đầu tiên quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào trong luật. Trước đây, cũng đã có những chỉ đạo của cơ quan Nhà nước liên quan đến chuyện cấm uống rượu bia trong giờ hành chính, đặc biệt là trong giờ nghỉ trưa.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó nhấn mạnh: Đối với cán bộ, công chức, viên chức nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Nhiều cơ quan, tổ chức đưa vào nội quy, quy chế làm việc.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở chỉ đạo của Thủ tướng, quy định này đã chính thức được luật hóa tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Việc luật hóa quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ sẽ giúp cơ quan chức năng có các chế tài để xử lý hành vi này.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập bị phạt 1-3 triệu đồng, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Nếu vi phạm quy định, cán bộ công chức uống rượu bia giờ nghỉ trưa sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.

Điều 34 của Nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Đề cao trách nhiệm nêu gương

Thực tế cho thấy uống rượu, bia ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc. Một cán bộ công chức, viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc hay trong giờ nghỉ trưa thì chắc chắn buổi chiều sẽ không thể minh mẫn và hiệu quả công việc sẽ sụt giảm. Đấy là chưa kể sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... và cả những hệ luỵ phát sinh từ việc không kiểm soát được hành vi do rượu bia quá đà. Như vậy, cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí.

Kỳ 3: Quy định đã có không thể nói khó triển khai
Cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 đợt 4).

Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực thi, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ đã được siết chặt hơn. Tình trạng những người thi hành nhiệm vụ “trốn làm đi nhậu” đã được hạn chế.

Anh Nguyễn Trường Sơn, công chức Viện Thông tin Khoa học xã hội, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Trước thói quen sử dụng rượu, bia của cán bộ, công chức, viên chức trong giờ hành chính, việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 được thực thi đã có rất tác dụng tích cực. Tôi đã không còn nhận lời rủ rê, mời mọc ăn nhậu vào giờ nghỉ trưa nữa. Nếu có cuộc hẹn nào cần uống rượu bia, tôi đều chuyển sang cuối tuần".

Tuy nhiên, vẫn còn có một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ, có trường hợp uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác, tác phong, uy tín và hình ảnh của người cán bộ.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Tịnh Biên, An Giang đã cùng một số cán bộ cấp dưới tập trung đông người sử dụng rượu, bia ăn nhậu ngay tại cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương trong lúc thực hiện Chỉ thị 16, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Vụ việc, hiện tượng như trên không đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nó cũng tạo ra hình ảnh mâu thuẫn, phản cảm khi đời sống của người dân đa số còn nghèo thì một bộ phận cán bộ, công chức lại ăn nhậu, rượu bia, xa hoa lãng phí. Nó đi ngược với những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, đảng viên.

Bên cạnh đó, sau khi sử dụng rượu, bia, cán bộ, công chức khi tham gia giao thông thường không làm chủ được bản thân, đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vượt sai quy định, đi sai làn đường, trong khi khả năng phán đoán và xử lý tình huống kém hơn là so với lúc bình thường nên rủi ro về tai nạn giao thông rất cao. Thực tế, đã có không ít các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi uống rượu, bia của cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong dư luận.

Do vậy, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được duy trì thường xuyên, lâu dài và dần trở thành nếp sống mới trong xã hội, bên cạnh việc duy trì kiểm tra, xử phạt nghiêm minh của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay tiếp sức của chính quyền, cơ quan, đơn vị đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, các thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra, xử lý cán bộ về việc sử dụng rượu bia trong giờ làm việc.

Nếu cán bộ công chức, viên chức không thực hiện, vi phạm quy chế nội quy của cơ quan thì có thể đánh giá, xếp loại và có hình thức kỷ luật, xử phạt kịp thời. Nếu trường hợp cán bộ uống rượu bia trong thời gian làm việc, không may bị xử phạt liên quan đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, các cơ quan chức năng cũng phải xem xét xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này