Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm

21:51 | 29/10/2021
(LĐTĐ) Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cũng như thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm khi tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật; tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải bổ sung thêm chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm cả cá nhân cho phù hợp và thống nhất; đồng thời cần phải quy định rõ vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm…
Đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững

Quy định rõ nội dung cung cấp thông tin

Tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải bổ sung thêm chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm cả cá nhân cho phù hợp và thống nhất với Khoản 7, Điều 4 về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về nội dung liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm, quy định tại Điều 6, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ lo ngại về tính bảo mật thông tin cá nhân đối với cả người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Theo đại biểu, mặc dù trong báo cáo tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính cũng đã nêu, tuy nhiên, để cho rõ ràng, cũng như người được tham gia bảo hiểm, người mua bảo hiểm xác định được những thông tin này, hoàn toàn có thể được bên kinh doanh bảo hiểm cung cấp cho các chủ thể của cơ quan Nhà nước theo yêu cầu.

Vì vậy đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất, trong hợp đồng bảo hiểm cần có điều khoản quy định rõ nội dung về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, tránh việc cung cấp cho bên thứ 3. Đồng thời, tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra về sau. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cụ thể nào trong việc hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về công tác đề phòng và hạn chế tổn thất tại Khoản 5, Điều 62 của Luật.

“Nếu chúng ta chỉ ghi chung như vậy và không có điều khoản giao cho Chính phủ hay Bộ Tài chính hướng dẫn thì sẽ rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng như Quốc hội sẽ khó có căn cứ để giám sát thực hiện Khoản 5, Điều 62 này. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Luật hoặc giao cho Chính phủ quy định để bổ sung rõ các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc hướng dẫn cũng như tuyên truyền thực hiện khoản 5 Điều 62”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đề cập về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Điều 5, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao việc xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là Chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp... Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, mà khuyến khích như thế nào, tạo điều kiện ra sao thì dự thảo chưa quy định rõ.

Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội)

“Chúng ta đều biết nông nghiệp là một ngành nghề có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Do đó, nếu không có chính sách, cơ chế cụ thể, đủ mạnh, chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp nào muốn chọn bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao. Do vậy tôi cho rằng, cần phải xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và xây dựng một chương riêng cho dự thảo”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Đề cập đến quy định về bảo hiểm bắt buộc, đại biểu đoàn Bắc Ninh cho rằng, có rất nhiều ngành nghề như luật sư, công chứng, kiểm toán, định giá công chứng... pháp luật chuyên ngành đã có quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm về nghề nghiệp, tuy nhiên dự thảo luật lại không quy định cụ thể nội dung này mà giao cho Quốc hội. “Theo tôi cần quy định rõ vấn đề này ngay trong dự thảo luật, nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từ chối không thực hiện hợp đồng bảo hiểm này, gây khó khăn cho việc hành nghề của các tổ chức nghề nghiệp”, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị.

Khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân phát triển kinh doanh bảo hiểm

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Như So về hoạt động kinh bảo hiểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, nội dung quy định của điều này vẫn còn mỏng. Trước mắt chưa bổ sung được các quy định cụ thể thì ngay tại Khoản 1, đại biểu đề nghị chỉnh sửa theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thay vì chỉ là đối tượng là doanh nghiệp như trong dự thảo luật.

Về Điều 9, quy định về bảo hiểm bắt buộc, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc rất nhất trí với dự thảo Luật, khi đã bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc, trong đó có bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với hoạt động tư vấn pháp luật. Lấy dẫn chứng về nội dung này, đại biểu Mai Dung cho biết, từ khi Luật Luật sư được ban hành theo quy định, thì trước khi hành nghề, các luật sư hay tư vấn viên pháp luật bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ khi các tổ chức hành nghề hay trung tâm tư vấn pháp luật nhận được kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì mới thực hiện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để đối phó. Thực tế gần như chưa có một phát sinh nào về sự kiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư tư vấn, điều này cho thấy rủi ro của hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội như trong quy định của dự thảo Luật…

Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc)

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện các nội dung, quy định cũng như các hành vi trong hợp đồng bảo hiểm đề phù hợp với pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Trong đó, có những quy định liên quan đến bảo hiểm vi mô để khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân, đặc biệt là các hộ nghèo tham gia.

“Về quy định đối với đại lý bảo hiểm, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm. Về việc cung cấp thông tin do lo ngại tiết lộ bí mật cá nhân, cơ quan soạn thảo cũng tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc mã hóa thông tin cá nhân. Hiện nay cơ quan soạn thảo cũng chỉ đưa ra 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm: xe cơ giới, cháy nổ và xây dựng, còn các loại hình bảo hiểm khác là tự nguyện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Phát biểu kết luận phiên thảo góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã thu hút 30 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 1 đại biểu tranh luận với những ý kiến sâu sắc, mang tính xây dựng cao. “Qua thảo luận đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cùng với những hạn chế, bất cập cần bổ sung cho đầy đủ để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoành chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5 năm 2022”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này