Sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu

15:04 | 29/10/2021
(LĐTĐ) Sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng - Đó là ý kiến của đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) khi góp ý xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT Yêu cầu về nhân sự đối với gói thầu kiểm toán Giá dự thầu có bao gồm toàn bộ các khoản thuế, phí?

Điều chỉnh chính sách sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước

Tại phiên họp toàn thể trực tuyến thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu
Phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tuy nhiên, tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị, cần xem xét nếu thủ tục đấu thầu hiện nay chưa phù hợp với các quy trình, công đoạn sản xuất phim thì phải điều chỉnh để đơn giản hơn về thủ tục hành chính, phù hợp với thực tế. Đối với những sản phẩm phim mang tính đặc thù cao như dòng phim phục vụ mang mục đích chính trị, quốc phòng, an ninh thì phải thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, đề tài sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước quy định: Nhà nước đầu tư sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại. Với phạm vi đề tài quá rộng thì sẽ không xác định được đề tài trọng tâm và thứ tự ưu tiên trong khâu lựa chọn sản xuất. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị phải xác định tinh gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm những đề tài được Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách.

Về phương thức sản xuất phim bằng ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị không nên sử dụng phương thức đấu thầu trong trường hợp này với 2 lí do. Vì quy định này đã được quy định trong Luật Điện ảnh 2006 về phương án đấu thầu nhưng qua 14 năm triển khai thì chúng ta vẫn chưa thực hiện được và gặp nhiều vướng mắc. Đại biểu đề nghị không nên tiếp tục quy định nội dung này trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đại biểu cũng nhận thấy, phương án 2 quy định hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu với các phim có nội dung khác thì không đúng, không thống nhất với nhau giữa khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 15. Vì khoản 1 Điều 5 quy định Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch, phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ không đầu tư cho các phim có nội dung khác.

Sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Đa số ý kiến lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu), đề xuất giữ nguyên quy định của Luật hiện hành.

Băn khoăn Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Nhiều ý kiến đại biểu cũng băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Các đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ được thành lập để sử dụng cho các hoạt động: thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh. Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm: nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc của Quỹ này. Trên thực tế, cho đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được triển khai. Cơ chế hiện hành chưa quy định về mô hình cũng như nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc bỏ quy định này vì: Luật hiện hành đã quy định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng 10 năm qua không triển khai thực hiện được. Nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Nếu thành lập Quỹ thì Chính phủ vẫn phải cung cấp vốn điều lệ trong khi chưa có khả năng huy động Quỹ.

Đồng tình với đại biểu Trần Văn Thức, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị không đưa vào dự án Luật nội dung này. Vì trong thực tiễn, có rất nhiều luật quy định thành lập các quỹ phát triển nhưng do điều kiện về ngân sách không đảm bảo cho nên không thành lập được. Như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhận thấy, nội dung này khó khả thi trong thực tiễn mặc dù mục đích, ý nghĩa rất tốt.

Sản xuất phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam)

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, giao nhiệm vụ cho cơ quan soạn thảo tham mưu với Chính phủ hoàn thiện từng bước và trình Quốc hội đóng góp ý kiến để Cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục tiếp thu, báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 3. Vì vậy, trong phiên thảo luận ở Tổ cũng như Phiên thảo luận tại Hội trường cho thấy, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đều mong muốn là phải tìm được những giải pháp tối ưu nhất để xây dựng hoàn thiện Luật Điện ảnh nhằm thực hiện được những nội dung cốt lõi mà Chủ tịch Quốc hội đã đề ra về 2 trụ cột: Điện ảnh không chỉ là ngành văn hóa nghệ thuật mà còn là một trong những nhóm ngành kinh tế…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị là bỏ thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác, sử dụng phim hợp tác liên doanh với nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực hiện đang xảy ra một vấn đề là thời gian qua có hãng phim liên kết, liên doanh với nước ngoài không tuân thủ và vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các phim hợp tác với nước ngoài thường sau đó lại không phổ biến tại Việt Nam. Vì vậy, nếu như không có thẩm định thì không kiểm soát được tính chính xác của phim so với thực tế lịch sử của Việt Nam. Đây là một vấn đề khó mà cơ quan soạn thảo đang cân nhắc và tính toán để đưa vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Về vấn đề sản xuất phim theo ngân sách của Nhà nước đặt hàng và Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, có nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên tổ chức đấu thầu. Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xem xét và cân nhắc. Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi thực hiện đấu thầu thì hầu như là không có đơn vị nào đấu thầu. Vì vậy, Bộ mong muốn Quốc hội xem xét để có những giải pháp hiệu quả hơn về vấn đề này.

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ở nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển đều áp dụng xây dựng Quỹ này. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng, Việt Nam cũng cần phải có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh thì mới có điều kiện để hỗ trợ các đối tượng hưởng Quỹ.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này