Không lạm dụng rượu bia vì sức khỏe và năng suất lao động

Kỳ 2: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia - hãy nhớ một số điều

13:04 | 29/10/2021
(LĐTĐ) Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời phòng tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra, ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết 9 địa điểm không được phép uống rượu, bia

Nhiều điểm mới “không thể bỏ qua”

Thời gian qua, việc lạm dụng rượu, bia đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. Rượu, bia gây tác hại với cả người uống, người xung quanh đối tượng uống và với cả cộng đồng xã hội.

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% GDP. Chi phí xử lý 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.

Trước năm 2019, ở nước ta có rất ít các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh, trực tiếp tới đông đảo người dân, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như: Đã uống rượu, bia thì không được lái xe.

Kỳ 2: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia - hãy nhớ một số điều
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 là một trong những luật chứa những quy định tác động mạnh, trực tiếp tới đông đảo người dân. (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)

Cụ thể, nhằm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, tại khoản 6, Điều 5, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, để chặt chẽ thêm những quy định, ngày 30/12/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với các hành vi vi phạm giao thông.

Đặc biệt, Nghị định số 100 tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, Luật phòng, chống tác hại rượu, bia năm 2019 cũng nghiêm cấm các hành vi sau đây: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe...

Đặc biệt, việc quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị nghiêm cấm. Riêng trong trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (tại khoản 3, Điều 12 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019). Trong đó, không quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em; không quảng cáo trên phương tiện giao thông; cơ sở bán, rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi…

Có thể thấy, những điểm mới bổ sung trên của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã ràng buộc các hành vi liên quan đến rượu, bia của không chỉ người dân mà còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia, đơn vị truyền thông... Những quy định rõ ràng về chuẩn mực, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức nhằm hướng đến các cuộc vui đúng nghĩa, để những cuộc liên hoan không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Khi Luật đi vào đời sống

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 28/9/2020, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 (thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) trong đó có một phần quy định về phòng, chống tác hại rượu, bia.

Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định 117 quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia...

Kỳ 2: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia - hãy nhớ một số điều
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh chụp tháng 2/2021)

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, một điểm nữa liên quan đến phân công trách nhiệm, Nghị định 117 sẽ phân công trách nhiệm một cách rõ ràng vai trò của từng bộ, ngành có liên quan, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

"Đặc biệt, Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu, bia trong phạm vi địa bàn quản lý; trách nhiệm quản lý rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay không. Từ việc phân định trách nhiệm sẽ tránh sự buông lỏng, chồng chéo trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan”, bà Trang cho hay.

Đã gần 2 năm từ khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có hiệu lực, có thể nhận thấy tinh thần chung là sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội. Bên cạnh số ít những ý kiến cho rằng mức xử phạt hành chính của một số điều luật là quá cao thì đa phần người dân đều rất đồng tình ủng hộ.

Anh Nguyễn Văn Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Suốt ngày nghe tin những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, trong đó rất nhiều vụ liên quan đến hành vi do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, tôi luôn tự nhắc nhở không thể vì ham vui mà gây nguy hiểm cho bản thân và những người đi đường được. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, cùng với các Nghị định 100, tôi đã tự điều chỉnh, giảm bớt những cuộc vui. Trong trường hợp không thể đừng được dù uống nhiều hay ít sẽ đi taxi, xe ôm thay vì tự lái xe như trước”.

Không ít lần phải nghe những câu nài ép, thậm chí là kích bác, mỉa mai của người khác khi từ chối lời mời rượu, anh Lê Đức Anh (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như mức xử phạt theo Nghị định 100, Nghị định 117. Hy vọng nhiều người sẽ thấy được tác hại của việc ép nhau uống rượu, bia, nhận thức rõ về những điều luật mới để điều chỉnh hành vi, thói quen của mình, tránh những tai nạn đáng tiếc do nguyên nhân từ rượu, bia”.

Để tiếp tục triển khai tốt Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Cụ thể, tại các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của rượu, bia, sau đó phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ.

"Các địa phương cần tập trung triển khai các quy định trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia về nghiêm cấm điểm kinh doanh, bán bia, rượu và nghiêm cấm địa điểm tổ chức uống bia, rượu", ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này