Doanh nghiệp vận tải khó chồng khó khi giá xăng dầu tăng mạnh

22:31 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Ngày 26/10 vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính có quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước, cụ thể: Xăng E5RON92 tăng 1.427 đồng/lít (lên mức 23.110 đồng/lít); xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít (lên mức 24.330 đồng/lít)… Giá xăng dầu tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến các doanh nghiệp vận tải vừa trở lại sau dịch gặp khó chồng khó.
Thanh Hóa: Xe khách đi Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng tần suất hoạt động 50% Giá xăng tăng mạnh, vượt mốc 24.000 đồng/lít Hà Nội: Chấn chỉnh đơn vị vận tải không truyền dữ liệu hành trình

Sau hơn 2 tuần Hà Nội thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh cho thấy, hoạt động vận tải khách liên tỉnh vẫn còn ảm đạm, hành khách đi lại rất ít. Tuy nhiên, để giữ chuyến và đảm bảo việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận bù lỗ để trở lại.

Theo ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chở khách tuyến Hà Nội - Lào Cai, ngày 27/10, doanh nghiệp bắt đầu khởi động lại với 5 chuyến vận chuyển hành khách, nhưng mỗi xe chỉ có được 7-10 hành khách. Với số lượng hành khách ít ỏi như vậy, ông Bằng cho biết, doanh nghiệp càng chạy càng lỗ.

Doanh nghiệp vận tải khó chồng khó khi giá xăng dầu tăng mạnh
Doanh nghiệp vận tải khó chồng khó khi vừa trở lại hoạt động sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì xăng dầu lại tăng giá mạnh.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên đại diện Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, trong điều kiện khách không có, nhà xe cũng không thể tăng giá được, thế nhưng giá xăng dầu đang tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, để cầm cự và giữ tuyến thì doanh nghiệp vẫn buộc phải chạy xe. Do đó ông Bằng kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo liên Bộ Tài chính - Công Thương xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ thị trường, tránh lạm phát giá vì xăng dầu quyết định lớn đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là tiêu dùng. Cùng đó, Chính phủ cũng cần phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Cũng chung khó khăn như Công ty TNHH Minh Thành Phát, đại diện hãng taxi Mai Linh cho rằng, không thể tăng giá cước buộc doanh nghiệp phải hỗ trợ cho người lao động để bù lỗ và bán bớt phương tiện thu hẹp sản xuất kinh doanh. Vì để giữ xe thì không có lao động và xe chạy cũng không hiệu quả khi dịch bệnh mới được kiểm soát, giá xăng tăng kéo theo giá cước tăng thì nhu cầu đi lại của người dân sẽ giảm.

Theo đại diện taxi Mai Linh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 toàn bộ số xe của hãng phải nằm bãi, ngoài việc vẫn phải trả lãi ngân hàng, chi phí bảo trì bảo dưỡng xe, thì khi vận hành lại phương tiện buộc phải duy tu bảo dưỡng lại và phần lớn là phải thay ắc quy tính trung bình mỗi chiếc 2.000.000 đồng. Giờ vừa được phép hoạt động trở lại, chưa kịp hồi phục thì giá xăng lại tăng khiến doanh nghiệp vận tải khó chồng khó.

Đề cập đến những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội mới cho xe taxi hoạt động chở lại với tần xuất 50% số phương tiện và 50% số chỗ ngồi. Trong khi đó lượng khách hiện tại chỉ đạt từ 15%-20% so với trước dịch và hiện các doanh nghiệp taxi của Hà Nội cũng mới chỉ đưa ra được khoảng 45%-50% số phương tiện để phục vụ vì không có lái xe. Việc đứt gãy chuỗi lao động này do thời gian giãn cách kéo dài nên lái xe đã chuyển nghề khác ổn định tại các địa phương.

Trước việc giá xăng dầu tăng cao các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh để làm sao giữ được mạch vận tải thông suốt, theo đó các doanh nghiệp vận tải sẽ phải thắt chặt chi phi, chứ không thể tăng giá. Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 và kéo dài gần 4 tháng nay, khiến các địa phương cũng đã bị đứt gãy chuỗi liên kết vì mỗi địa phương có một quy trình kiểm soát dịch khác nhau. Do đó, Quỹ bình ổn xăng dầu và Bộ Công Thương phải có một chiến lược dài hơi, thậm chí cần có sự cảnh báo thị trường để các doanh nghiệp và người biết về mức độ, biên độ tăng giảm theo từng thời điểm.

“Hiện giá xăng dầu tăng thì phi mã mà giảm nhỏ giọt, đẩy doanh nghiệp vào trạng thái buộc phải điều chỉnh giá cước, mà điều chỉnh giá cước cao quá thì người dân không chịu được. Do đó, doanh nghiệp vận tải và người phải gánh chịu khó khăn đầu tiên”, ông Hùng cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này