Cần cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế trong 2 năm tới

22:14 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, giờ là lúc chúng ta cũng nên cân nhắc việc bàn một cơ chế đặc thù cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới với các thủ tục hành chính đơn giản nhất. Đó là chia sẻ của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam với báo chí bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Hà Nội mong muốn cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chung tay phát triển Thủ đô Đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đề cập đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta cần bổ sung ngay một gói hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn, với phạm vi bao phủ rộng hơn nhằm vào 2 mục tiêu đó là: Giải cứu hỗ trợ các doanh nghiệp và kích thích các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cần cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế trong 2 năm tới
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) chia sẻ bên hành lang Quốc hội

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, quá trình mở cửa, tái khởi động nền kinh tế phải đặt trong chiến lược tổng thể, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần đề ra một kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế cho 5 năm và tầm nhìn 10 năm, đặc biệt là chương trình phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới. Trên cơ sở đó đưa ra những định hướng, chủ trương, chính sách cho giai đoạn phục hồi này.

Trong giai đoạn phục hồi đó, bên cạnh những chính sách tài khóa, các chính sách an sinh xã hội mà chúng ta đang làm và chúng ta sẽ bổ sung, thì việc thúc đẩy cho cải cách hành chính, cải cách thể chế là rất quan trọng. “Tôi đề xuất giai đoạn phục hồi kinh tế trong 2 năm tới cần có cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, giờ là lúc chúng ta cũng nên cân nhắc việc bàn một cơ chế đặc thù cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới với các thủ tục hành chính đơn giản nhất, giảm bớt công tác thanh tra, kiểm tra”, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Đề cập đến vấn đề sống chung với dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, theo đại biểu đoàn Hà Nội, thì cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Đại biểu cho rằng, khi kiểm soát được dịch bệnh thì chúng ta mới có thể đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới và đây là vấn đề quan trọng nhất. Hiện tại Việt Nam đang kiềm chế tương đối tốt dịch bệnh và cũng đã xác định sống chung với dịch Covid-19, tuy nhiên đại biểu lo ngại, nếu dịch diễn biến phức tạp thì chúng ta khó có thể đưa nên kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, đây cũng chính là vật cản của Việt Nam và thế giới.

Vấn đề thứ 2 được đại biểu đề cập đó chính là hành động của mỗi người. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, điều quan trọng là phải yểm trợ được cho các hoạt động của người dân và doanh nghiệp, để làm sao chủ trương sống chung với Covid-19 phải được thông suốt từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, cần phải làm sao để không có hiện tượng ngăn sông, cấm chợ; không có việc Trung ương bảo một đằng, địa phương làm một nẻo. Đặc biệt, không để xảy ra hiện tương “phép vua thua lệ làng”, bởi vì hệ thống kinh tế là một chuỗi kết nối. Mỗi xã, phường là một tế bào và chúng ta phải kết nối với nhau. Nếu lấy tư duy, lấy xã phường là một pháo đài vào kinh tế là thất bại.

“Mỗi xã, phường là một pháo đài trong chống dịch; nhưng mỗi xã, phường cũng là một tế bào trong nền kinh tế. Vì thế, nó cần phải được tiếp máu, được lưu thông. Do vậy, phải kiên định với chủ trương sống chung an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trước đó, cũng đề cập đến gói kích cầu kinh tế mới, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khóa, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, trong đó có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Đồng thời, liên quan đến chính sách điều hành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bộ cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị…

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này