Cần có chính sách hỗ trợ để công nhân lao động không bị gián đoạn mua bảo hiểm y tế

19:26 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về tình hình sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Hà Nội: 3 tháng cuối năm, phấn đấu mỗi xã/phường/thị trấn có 60 người tham gia BHXH tự nguyện Hà Nội: Phấn đấu đến 2025 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%

Qua số liệu thống kê và theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho biết, thời gian qua còn nhiều vụ việc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ BHYT. Vì vậy, đại biểu đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện Quỹ BHYT để tránh tình trạng trục lợi đã diễn ra trong thời gian qua.

“Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, số lượng người nằm viện giảm, các cơ sở y tế hụt thu. Cho nên, nếu như không kiểm tra, giám sát tốt, sẽ dẫn đến việc các cơ sở y tế sẽ làm hồ sơ khống để chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi, gây thất thoát quỹ”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.

Cần có chính sách hỗ trợ để công nhân lao động không bị gián đoạn mua bảo hiểm y tế
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện Quỹ BHYT. (Ảnh: VPQH)

Quan tâm đến Quỹ BHYT, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho hay, Quỹ BHYT do Bảo hiểm xã hội giữ và thực hiện việc giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này dẫn đến thực tế là các cơ sở khám, chữa bệnh vừa phải khám, chữa bệnh vừa phải tính xem có bị vượt dự toán hay không, nên sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong thực tế nhiều hơn mức được giao dự toán hàng năm. Phần vượt này muốn thanh toán bổ sung thì phải được Bảo hiểm xã hội thẩm định, thời gian thanh toán bổ sung kéo dài rất lâu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh, chữa bệnh, vì thiếu nguồn tài chính chi trả cho các loại thuốc, cho các trang thiết bị y tế.

Cần có chính sách hỗ trợ để công nhân lao động không bị gián đoạn mua bảo hiểm y tế
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: VPQH)

“Các cơ sở khám, chữa bệnh và ngành y tế các địa phương đã kiến nghị cần phải thành lập một Hội đồng thẩm định độc lập, gồm có Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh. Hội đồng này sẽ hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định các thanh toán khám, chữa bệnh theo BHYT nhằm đảm bảo việc thanh toán chi đúng theo thực tế khám, chữa bệnh và đảm bảo tránh được tình trạng lợi dụng khám, chữa bệnh BHYT để trục lợi Quỹ BHYT.

Tôi nghĩ đây là một giải pháp rất hay, vừa thiết thực, vừa hiệu quả. Song, đề xuất kiến nghị này đã được nghiên cứu và xem xét rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần phải quan tâm nghiên cứu đến ý kiến của Ủy ban Xã hội về sớm triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật BHYT và xem đây là phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh để thay thế phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về tổng mức thanh toán ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này khi triển khai vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ sở khám, chữa bệnh và cả cơ quan bảo hiểm xã hội, BHYT. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh, không dùng tổng mức thanh toán mà sẽ chuyển thành thực thanh, thực chi theo giá của các dịch vụ y tế mà cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp và đã có giám định của BHYT hàng tháng, hàng quý.

Cần có chính sách hỗ trợ để công nhân lao động không bị gián đoạn mua bảo hiểm y tế
Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ quy định về đóng BHYT hoặc hỗ trợ đóng BHYT, hoặc hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua BHYT đối với lực lượng công nhân lao động. (Ảnh: VPQH)

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quy định về đóng BHYT hoặc hỗ trợ đóng BHYT, hoặc hỗ trợ về mặt chính sách để tạo tính liên tục cho việc mua BHYT đối với lực lượng công nhân lao động. Do dịch Covid-19, nên rất nhiều công nhân đã có sự gián đoạn trong việc mua BHYT vì công ty đóng cửa hoặc giải thể… Dẫn đến, nếu chẳng may bị bệnh trong giai đoạn gián đoạn BHYT thì sẽ rất khó khăn trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Đồng thời, theo quy định của BHYT, nếu gián đoạn 3 tháng không mua bảo hiểm, sau đó mua lại thì bảo hiểm được mua lại sẽ tính lại giá trị ngay từ đầu, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hưởng BHYT của người lao động.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, đến năm 2020 đã đạt được 90,85% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp bị đóng cửa, nên việc tham gia giảm xuống 2,6 triệu so với năm 2020.

Về vấn đề thanh toán BHYT, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian tới sẽ đổi mới phương thức thanh toán theo quy định của Luật BHYT, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này