Không lạm dụng rượu bia vì sức khỏe và năng suất lao động

Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết

14:06 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Tại Việt Nam, vào mỗi dịp cuối năm, lễ, Tết, lượng tiêu thụ rượu, bia tăng lên đáng kể, bởi nó như việc hiển nhiên không thể phủ nhận cứ trong cuộc vui là không thể thiếu chất uống có cồn. Thế nhưng, nói đến rượu, bia thì ai cũng biết những loại đồ uống này rất có hại cho sức khỏe nếu quá lạm dụng. Trên thực tế hậu quả của việc uống rượu, bia quá mức đã và đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhân cách của mỗi cá nhân, giảm năng suất lao động.
Hà Nội: Xử lý mạnh tay lái xe vi phạm nồng độ cồn Chế tài đã có, chỉ “chờ”… xử nghiêm! Tuyên truyền, vận động sinh viên đi đầu thực hiện "Đã uống rượu, bia không lái xe"

Suy đa tạng, ung thư vì lạm dụng rượu

Thực tế, trong đời sống hàng ngày, nhiều người vẫn coi rượu, bia như là hương vị của cuộc sống, nhưng theo các chuyên gia y tế, mọi người không nên uống quá nhiều, đặc biệt là không nên uống thường xuyên vì dễ gây cảm giác nghiện hay phụ thuộc rượu, cũng như bệnh tật do chính loại thức uống này gây ra.

Khi nói đến tác hại của rượu, bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia không chỉ tập trung vào phòng, chống uống rượu, bia và lái xe, mà còn có nhiều quy định quan trọng khác để ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội và kinh tế, đặc biệt là để phòng tránh mắc, tàn phế và tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm.

Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết
Lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách của mỗi cá nhân, giảm năng suất lao động.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó Trưởng Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai, việc lạm dụng rượu, bia rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như gây tổn thương gan, viêm dạ dày cấp, viêm tuỵ cấp… Ngoài ra, nếu dùng rượu bia không an toàn gây ngộ độc methanol, rối loạn thị lực nhanh, hôn mê và suy đa tạng.

Còn theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu, bia. Uống rượu, bia liều lượng nhiều lần và uống thường xuyên sẽ gây ngộ độc cấp và ngộ độc mạn tính: Xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu.

Cụ thể, với hệ tiêu hóa, rượu bia ảnh hưởng lớn đến sức khỏe dạ dày, khi đói uống rượu rượu đi thẳng vào máu. Theo thống kê thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Rượu, bia ảnh hưởng đến gan, có đến 90-95% rượu được chuyển đến gan để “xử lý”. Ở gan, rượu được oxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Vì thế nếu uống quá nhiều gan sẽ bị quá tải, không thể chuyển hóa được hết.

Đồng thời, rượu, bia cũng ảnh hưởng đến não. Rượu tác động đến hệ thần kinh, khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự tác động đó phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu mà đưa đến các trạng thái khác nhau: Hưng phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi...

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng, mỗi một người có ngưỡng rượu bia nhất định, dù có giải rượu đi nữa thì lượng rượu đưa vào vẫn nhiều hơn, vượt quá 50g cồn 1 ngày là không tốt. Do đó chỉ nên sử dụng hạn chế, không dùng liên tục nhiều ngày để cơ thể còn đào thải độc ra ngoài.

Bên cạnh đó các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, khi uống rượu còn có nguy cơ uống phải rượu giả có chứa methanol. Rượu chứa methanol gây tử vong nhanh chóng, vì vậy khi sử dụng rượu, bia cần rất thận trọng, dùng có ngưỡng và có thời gian nghỉ và cần biết rõ xuất xứ.

Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra. Ngay với liều nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần,...), ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần.

Đặc biệt, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực, hành vi nguy cơ...).

Song song với việc làm rối loạn nhận thức của con người, chất cồn là chất hướng thần gây lệ thuộc làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Việc uống rượu, bia thường xuyên dẫn đến thích nghi thần kinh khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng uống sẽ dẫn đến hội chứng “cai rượu”. Lệ thuộc rượu, bia sẽ gây ra loạn thần do rượu và dẫn đến mắc các bệnh mạn tính cũng như gây ra các hậu quả trước mắt và gánh nặng lâu dài cho xã hội. Bên cạnh đó chất cồn có thể tương tác xấu với các chất hóa học khác trong cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn.

Bởi vậy, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, đối với người có uống rượu, bia cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất. Bởi vì, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Cụ thể, trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia khác nhau. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Kỳ 1: Tác hại của rượu, bia - những điều chưa biết
Uống quá nhiều rượu, bia là căn nguyên gây nên nhiều bệnh cho cơ thể.

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thôi, thì đã bắt đầu có các rối loạn như: Giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh,… trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế.

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu, bia, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

(Còn nữa)

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này