Tạo cơ chế, động lực cho 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm phát triển

16:51 | 27/10/2021
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Xem xét cơ chế đặc thù phát triển cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế tài chính- ngân sách đặc thù cho Hà Nội

Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị cho Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù, Thanh Hóa được áp dụng 8 cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách này nếu được thông qua sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2022, thời gian thực hiện thí điểm kéo dài 5 năm.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, nhằm giúp các địa phương này khai thác được tiềm năng, thế mạnh để bứt phá.

Tạo cơ chế, động lực cho 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm phát triển
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) phát biểu tại nghị trường. (Ảnh: VPQH)

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần phải có cơ chế đặc thù, đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm.

Các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần các cơ chế đặc thù để phát triển, nhưng cần phải có các chính sách ưu tiên lựa chọn đầu tư trước một số tỉnh có tiềm năng, thế mạnh hơn để làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương khác.

“Tôi đồng tình với việc là Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho 4 địa phương, đó là thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế”, đại biểu nói.

Đại biểu phân tích, trên thực tế quy định này không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách trung ương, không làm tăng nợ công hay là các nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô. Về hành chính thì không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ trung ương đến địa phương, mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các quy trình luật pháp trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, Chính phủ điện tử mà cả hệ thống của chúng ta đang triển khai.

Theo đại biểu, những cơ chế quy định đặc thù này chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc, do vậy thực ra đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra một động lực mới.

Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) bày tỏ nhất trí với chủ trương ban hành Nghị quyết. Theo đại biểu, nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của những địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù.

Do đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ, các cơ quan, địa phương có liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai thực hiện rõ ràng, minh bạch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.

Tạo cơ chế, động lực cho 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm phát triển
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm. (Ảnh: VPQH)

“Theo tôi nên chú trọng đến chính sách thuộc về cơ chế phân cấp, phân quyền, hạn chế chính sách phân bổ thêm nguồn lực từ ngân sách trung ương, phân bổ thêm kinh phí chi thường xuyên. Việc này đặt ra cách đánh giá chính sách ban hành, định mức, nguyên tắc phân bổ, dự toán ngân sách không công bằng.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm so với không thí điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương được thí điểm có hơn, có khác không, có đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước so với trước như thế nào”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Vì, sẽ tạo cơ chế, tạo động lực, điều kiện để cho các tỉnh này phát triển; thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, đường lối của Đảng; thí điểm chính sách trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở và căn cứ để chúng ta giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nghị quyết này. Vì Quốc hội trao cho thêm những quyền phân cấp thêm thì chúng ta cũng phải có những chỉ tiêu cụ thể để sau này đánh giá kết quả của thực hiện nghị quyết.

“Về phần tổ chức thực hiện, nghị quyết đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành của cấp tỉnh. Thế nhưng, theo tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu nữa. Thậm chí cả chế tài trong việc tổ chức thực hiện đúng, thực hiện nghiêm và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Vì nghị quyết này ban hành, tôi cho đây không chỉ thách thức mà là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm”, đại biểu nói.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này