Để Thủ đô Hà Nội thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc

Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải

16:44 | 27/10/2021
(LĐTĐ) LTS: Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều dự án giao thông tại Hà Nội hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần thực hiện mục tiêu giao thông vận tải đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội: Nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tiến độ Kiểm tra và xử lý ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch Hà Nội: Ngày đầu nới lỏng giãn cách, giao thông đông nhưng không ùn tắc

Tuy nhiên, trong quá trình đồng bộ và từng bước hoàn thiện này, ùn tắc giao thông vẫn đang là nỗi nhức nhối của Hà Nội. Điều này đòi hỏi Thành phố cần có thêm những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn, từ việc cải thiện hạ tầng đến nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Tồn tại dai dẳng, vì sao?

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là chú trọng đầu tư và hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.

Cùng với đó, Trung ương và Hà Nội cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông, tăng tính kết nối giữa Hà Nội và các vùng miền.

Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải
Thời gian qua, hạ tầng giao thông Thủ đô từng bước được đồng bộ, tăng tính kết nối giữa Hà Nội với các vùng miền. (Ảnh: Minh Phương)

Cùng đó, Hà Nội cũng chủ động các giải pháp, giảm thiểu các điểm ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành. Chẳng khó để thấy, nếu như năm 2010, Thành phố có 124 điểm ùn tắc, thì đến cuối năm 2011 còn 78 điểm; cuối năm 2015 còn 44 điểm và đến tháng 5/2020, chỉ còn 34 điểm…

Những kết quả đó là rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao thông của Thành phố. Bởi số điểm dù giảm, nhưng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp.

Trong đó, lưu lượng giao thông tăng đột biến, hạ tầng không theo kịp là một trong những nguyên nhân chính. Điểm giao cắt tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La (còn gọi là đường Chu Văn An) nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì và đường 70 tại Thủ đô Hà Nội là ví dụ.

Trục giao thông này gần đây là điểm nóng, gây bức xúc cho không ít người và phương tiện lưu thông. Theo đó, từ khi tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La đưa vào khai thác xuất hiện tình trạng một đoạn đường dù chỉ kéo dài 300 - 400m nhưng có tới ba nút giao cắt tại các vị trí: Ngã ba Xa La - đường 70, trước cổng Bệnh viện K và điểm giao cắt với đường 70 với tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La.

Đáng nói, lưu lượng phương tiện giao thông đổ dồn về đây dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện. Nhiều người dân cho biết, đoạn đường thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm do vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng vì vậy dù có hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng chức năng phân luồng… song hiệu quả giảm ùn tắc vẫn không được triệt để.

Thêm nữa, hiện khu vực này, ngoài việc có 1 bệnh viện lớn thì còn “mọc” nhiều tòa cao ốc, khu đô thị mới với mỗi tòa lên tới hàng nghìn dân… người và phương tiện đông, cùng lưu thông vào một thời điểm thì việc ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.

Không chỉ có trục giao thông này phải đối mặt với tình cảnh “gánh” công năng quá mức lưu lượng thiết kế. Nhiều công trình hạ tầng giao thông khác, trong đó điển hình như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy… cũng đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn.

Cụ thể, theo ước tính hiện cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông hướng tâm như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 - 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải
Lượng phương tiện cá nhân tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây sức ép lên hạ tầng. (Ảnh: Giang Nam)

Ngoài ra, phương tiện giao thông cá nhân tăng đột biến cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên hệ thống hạ tầng. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,01 triệu xe máy, chưa tính số lượng phương tiện đăng ký tại các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn.

Tỷ lệ sở hữu xe máy đạt mức 760 xe/1.000 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 6,7%/năm. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội lại rất hạn chế. Điều này dẫn đến nghịch lý là diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Đường dù tích cực được mở rộng, phát triển mới song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông.

Từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông

Hà Nội thời gian qua đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, không chỉ góp phần cải thiện diện mạo, mà còn tạo động lực phát triển Thủ đô.

Không khó để thấy, với những nỗ lực của Trung ương và thành phố Hà Nội trong việc tập trung nguồn vốn, giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng… nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đó là đường Vành đai 3 (đoạn trên cao và dưới thấp từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long); cầu cạn đi qua hồ Linh Đàm; cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; hoàn thành nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thành việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long...

Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải
Ùn tắc giao thông đang là một trong những vấn đề nan giải mà Hà Nội phải đối mặt và giải quyết. (Ảnh: Giang Nam)

Đây là tin vui với không chỉ người dân Thủ đô, mà còn với người dân các tỉnh, thành phố lân cận, khi “mạch máu” giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, tăng khả năng kết nối, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là góp phần làm giảm ùn tắc giao thông.

Ví dụ, năm 2021 khi dự án thi công hoàn chỉnh nút giao Vành đai 3 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác từ tháng 1/2021, ngay lập tức dự án này góp phần giải quyết cơ bản nạn ùn tắc giao thông tại khu vực đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì (đoạn qua quận Long Biên). Hay như trục đường 21B, kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ngoại thành như Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức… nếu như trước đây, cung đường Quốc lộ này có bề mặt nhỏ, chỉ đủ từ 4 - 5 làn xe thì nay đang được mở rộng ra gấp nhiều lần, khi dự án mở rộng Quốc lộ 21B hoàn thiện sẽ góp phần tăng khả năng lưu thông, thúc đẩy tính kết nối, giao thương giữa nội và ngoại thành.

Bên cạnh bức tranh tổng quan trên, ghi nhận thực tế thời gian qua trên các tuyến đường của Thủ đô có thể thấy Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc ở phạm vi cục bộ.

Phương án xén vỉa hè, mở rộng đường, điều chỉnh nút giao, đèn tín hiệu ở các “điểm nóng”, các tuyến giao thông trọng điểm như: Láng, Vành đai 3, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… cũng đang phát huy những hiệu quả nhất định. Trục đường Láng là ví dụ. Nếu như trước đây, nhiều điểm giao cắt thuộc trục đường này di chuyển khá khó khăn thì nay, thông qua việc mở rộng lên 4 - 6 làn xe, hiện tượng ùn tắc kéo dài đã giảm thiểu.

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không chỉ riêng trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Nói cách khác, để làm và giải quyết “bài toán” này cần toàn xã hội vào cuộc.

Kỳ 1: Khi hạ tầng giao thông bị quá tải
Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng và phát triển hạ tầng giao thông. (Ảnh: Giang Nam)

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên đề xuất, bên cạnh việc đầu tư kết cấu giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần kiên quyết thu hồi những diện tích các cơ quan, trụ sở nằm trong diện di dời để xây dựng các công trình công cộng hồ nước, công viên, cây xanh; thu hồi các dự án bỏ hoang để làm bãi đỗ xe. Dứt khoát chỉ cho xây dựng nhà cao tầng khi những công trình bảo đảm hạ tầng giao thông như vỉa hè, bãi đỗ xe, nhà để xe và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó phải có lộ trình giảm dần, kiểm soát, cấp đăng ký mới ô tô, xe máy cá nhân phù hợp…

Rõ ràng, quanh câu chuyện giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội, cái gốc của vấn đề đã phần nào được chỉ rõ. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề thì cần có một chiến lược quy hoạch đô thị mở và một giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng đồng bộ. Chỉ trên cơ sở quản lý đô thị hiện đại, khoa học, đúng tầm, bài toán ùn tắc giao thông mới được giải quyết một cách căn cơ, bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết.

Đáng chú ý, mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo giao thông vận tải thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 - 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12 - 15% quỹ đất xây dựng đô thị...

Cùng với đó tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý; Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

(Còn nữa)

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này