Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

09:14 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Rác thải nói chung, phế liệu nói riêng sẽ trở thành tài nguyên khi được phân loại, xử lý đúng cách. Ngược lại, rác sẽ gây ô nhiễm môi trường trong hiện tại và cả tương lai nếu tiếp tục được chôn lấp tự nhiên mà không được phân loại, xử lý. Xuất phát từ thông điệp đó, gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện những gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm, thu hút được nhiều người tham gia.
Gian hàng đổi chai nhựa, vỏ lon... lấy rau, củ, quả tại Hà Nội

Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch

10h sáng, chị Trần Vân Anh (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) mang theo bìa cứng, chai nhựa đến gian hàng tại số 3 Quốc Tử Giám để đổi lấy rau, củ chuẩn bị cho bữa trưa của gia đình. Chị Vân Anh cho biết, trước đây, chị thường vứt bỏ các loại giấy bìa vào thùng rác hoặc đem đốt bỏ… nhưng từ khi biết đến gian hàng đặc biệt này, chị đã chú ý phân loại rác, phế liệu ngay từ đầu để mang đi đổi.

“Tôi thấy mô hình đổi phế liệu lấy thực phẩm này rất có ý nghĩa và tiện lợi. Ví dụ, khi có một vài đồ nhựa, bìa cứng không còn sử dụng thay vì vứt vào thùng rác, tôi có thể đem đi đổi lấy thực phẩm, thuận tiện vô cùng”, chị Vân Anh chia sẻ.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Chị Trần Vân Anh mang bìa cứng đến gian hàng để đổi lấy thực phẩm. Ảnh: Kim Tiến

Không chỉ chị Vân Anh, những ngày gần đây, rất nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội cũng đã có thói quen mang phế liệu để đổi lấy thực phẩm. Việc có thể đổi phế liệu lấy thực phẩm là điều mà họ chưa từng nghĩ tới trước đây. “Ở nhà nhiều vỏ lon, chai nhựa nhưng mùa dịch nên cũng không tìm được mấy người thu mua ve chai để bán. Vứt đi thì thấy phí mà để lại thì chật nhà. May là có chương trình này, vừa giúp mình dọn dẹp được nhà cửa, vừa có thực phẩm tươi sống để ăn”, chị Nguyễn Thị Hương (phường Văn Chương, quận Đống Đa) cho biết.

Cửa hàng mà chị Vân Anh, chị Hương nhắc đến là một trong 6 cửa hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm đang được triển khai trên địa bàn quận Đống Đa. Ngoài việc bán rau, củ, quả, thịt, cá... phục vụ nhu cầu khách hàng, các cửa hàng này còn triển khai mô hình đổi phế liệu vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn... để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại rác cũng như nông sản đều được niêm yết công khai. Ví dụ, mỗi kg bìa cứng, túi nilon được mua lại giá 3.000 đồng; một kg nhựa tái chế, sắt vụn giá lần lượt 3.500 đồng đến 9.000 đồng; vỏ chai nhựa được mua với giá 200 đồng. Tất cả phế liệu đều được người dân phân loại trước ở nhà, mang đến cửa hàng được phân loại thêm lần nữa rồi đóng bao, cuối ngày có xe đến thu gom.

Anh Đỗ Bá Tú (Quản lý chuỗi gian hàng bán thực phẩm trên địa bàn quận Đống Đa) cho biết, sau một khoảng thời gian triển khai, người dân đánh giá cao mô hình đổi rác phế liệu lấy thực phẩm. Thậm chí, một số người còn nhiệt tình mang chai lọ, sách báo... đến tặng quầy chứ không cần đổi thực phẩm. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đã triển khai khoảng 20 cửa hàng ở Hà Nội cũng như tại các địa phương khác. Chúng tôi hi vọng chương trình lan toả những thông điệp ý nghĩa về môi trường tới cộng đồng”.

Thời gian đầu khi mô hình mới triển khai, nhiều người còn bỡ ngỡ nhưng sau đó, mọi người đã quen dần với mô hình và nhiệt tình hưởng ứng. Nhìn chung, người dân đều có ý thức phân loại phế liệu trước khi mang đến và vui mừng khi được đổi lấy thực phẩm thiết yếu mang về. Đặc biệt, người dân đều có ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 như: Thực hiện quét mã QR, đeo khẩu trang; khách hàng và người bán được ngăn cách với nhau qua tấm chắn trong suốt, giữ khoảng cách an toàn…

Ông Trần Ngọc Tuấn, phụ trách gian hàng tại địa chỉ số 3 Quốc Tử Giám cho biết, ý tưởng đổi phế liệu lấy thực phẩm bắt nguồn từ tháng 8 khi hai phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa) bị phong tỏa do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19.

Là một trong những đơn vị cung ứng thực phẩm cho người dân vùng cách ly, nhận thấy những vỏ hộp, bìa cứng mọi người đặt hàng mang từ ngoài vào vứt đầy đường, công ty chủ quản của các cửa hàng khi đó quyết định thực hiện thu gom. Những vỏ lon, chai nhựa, xoong nồi hỏng sau khi mang đến cửa hàng được cân, đếm rồi quy đổi thành phiếu tương ứng số tiền. Các phiếu này có thể dùng để thanh toán thay tiền mặt khi người dân mua thực phẩm.

Thay đổi ý thức phân loại rác từ nguồn

Hiện nay đơn vị này đã triển khai khoảng 20 địa điểm “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch”, trên địa bàn Hà Nội. Thực phẩm được dùng để đổi phế liệu ở đây cũng là thực phẩm sạch, từ rau củ quả đến thịt, cá đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã qua kiểm định, bảo đảm an toàn, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu và không thuốc tăng trưởng. Thời gian qua, mặc dù lượng phế liệu thu được từ chương trình chưa phải là nhiều, tuy nhiên, có thể thấy thông điệp tích cực từ chương trình này cần lan tỏa mạnh hơn nữa.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Tất cả phế liệu đều được người dân phân loại trước ở nhà, mang đến cửa hàng được phân loại thêm lần nữa rồi đóng bao, cuối ngày có xe đến thu gom (Ảnh: Kim Tiến)

“Một trong những giá trị tích cực và lớn lao nhất là gia tăng ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thiết thực của mỗi người vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ rác thải của một đô thị lớn như thành phố Hà Nội với dân số cả chục triệu người”, ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

Khi biết đến mô hình “đổi phế liệu lấy thực phẩm”, bà Hồ Thị Minh Tâm (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) tỏ ra rất phấn khởi. Bà Tâm cho biết: Bình thường không phải ai cũng dành thời gian để phân loại rác thải trong gia đình, thậm chí còn đổ rác không đúng nơi quy định. Trong lúc dịch bệnh cũng khó tìm được người thu mua phế liệu, mô hình “đổi phế liệu lấy thực phẩm” vừa giúp người dân có ý thức phân loại rác thải, dọn dẹp nhà cửa, vừa có thể mua được thực phẩm an toàn. “Môi trường sống đang bị đe dọa bởi thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Sự xuất hiện của mô hình “đổi rác lấy thực phẩm sạch” góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân Thủ đô”, bà Tâm cho biết.

Có thể thấy, rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống, phát sinh từ các hoạt động trong đời sống con người. Với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, rác thải ngày càng được thải ra nhiều hơn với những thành phần ngày càng phức tạp và đa dạng. Tại nhiều gia đình, tình trạng thức ăn thừa, túi ni lông, giấy vụn... để lẫn lộn rồi mang đi đổ khá phổ biến.

Những năm qua, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, xử lý rác thải, việc phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hay, ý nghĩa nhằm lan tỏa việc bảo vệ môi trường cũng được chú ý. Ví dụ, trong năm 2020, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã tổ chức chương trình đổi rác thải tái chế lấy quà tặng tại một số quận trung tâm; hay một số chương trình đổi rác lấy cây cũng đã thu hút được đông đảo người trẻ tham gia.

Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những khâu quan trọng đầu tiên của quy trình xử lý rác, giúp giảm thiểu chi phí từ quá trình thu gom, vận chuyển đến xử lý. Không chỉ có vậy, một phần rác có thể tái chế sau khi được phân loại sẽ là nguồn tài nguyên hữu ích đem lại kinh tế và giải quyết được bài toán môi trường. Quan trọng hơn là việc làm này không khó, mỗi người dân, gia đình đều có thể phân loại rác trong đời sống, sinh hoạt của mình. Do vậy, các chương trình như: Đổi phế liệu lấy thực phẩm hay đổi rác lấy quà cần được tiếp tục nhân rộng nhằm nâng cao ý thức và hình thành thói quen mới cho người dân Thủ đô, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này