Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh

08:17 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Đợt bùng phát dịch Covid-19 từ giữa năm 2021 tại nhiều tỉnh, thành phố với những diễn biến phức tạp, lây lan nhanh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Xử lý nợ xấu của các ngân hàng: Nỗ lực khắc phục ảnh hưởng Cơ chế “thoáng” cần giải quyết “thông”!

Ngân hàng nỗ lực chia sẻ khó khăn

Bình Dương là thành phố đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch Covid-19, tập trung phần lớn ở các thị xã, thành phố, khu dân cư đông đúc; các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thương mại dịch vụ, địa bàn trọng yếu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy…, từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng.

Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại điểm cầu trụ sở NHNN

Tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thái Minh Quang - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương cho biết, ngân hàng ưu đãi phí cho các doanh nghiệp và cá nhân từ ngày 11/4 đến nay và có 8 đợt hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% lãi suất, giảm từ 5-10% số tiền lãi phải trả cho từng đợt. Ngoài ra, chi nhánh luôn tích cực chủ động cơ cấu lại nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tư vấn các gói giải pháp đồng bộ, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, mở tài khoản online…

Tương tự, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, điều chỉnh hạ lãi suất cho vay 10% trên lãi suất cho vay, tương đương 0,2-1%/năm. Tổng số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 15.426 khách hàng, với dư nợ 15.500 tỷ đồng. Hiện Agribank Bình Dương áp dụng gói ưu đãi cho khách hàng...

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, NHNN và ngành ngân hàng cũng đã tích cực vào cuộc với hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh thông qua các giải pháp cụ thể như: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, chủ động điều hòa lượng tiền cung ứng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch; ban hành các Thông tư theo hướng mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các tổ chức tín dụng vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất - kinh doanh, phản ánh những cố gắng của toàn ngành ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Song song với đó, ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng...

Riêng đối với tỉnh Bình Dương, đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Tiếp tục các giải pháp quyết liệt

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi đỉnh dịch đã qua, vẫn cần tiếp tục những giải pháp quyết liệt hơn nhằm sớm đưa hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị trong Ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới.

Ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh
Ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Song song với đó, đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu. Trong đó lưu ý, rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Phó Thống đốc đề nghị NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Dương chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời thường xuyên làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn để chỉ đạo triển khai kịp thời chính sách cho vay vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời báo cáo UBND tỉnh và NHNN các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này