Xử phạt hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

08:02 | 27/10/2021
(LĐTĐ) Vấn đề thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Trong Dự luật, Chính phủ đề xuất hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Cần giữ quy định phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ Chung tay xử lý triệt để các vi phạm thương mại điện tử

Chiều 26/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đánh giá cao chất lượng của dự án luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa thêm Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Đại biểu nêu lý do cần sửa đổi vì quy định tại Điều 212 vừa không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, vừa bỏ lọt chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là pháp nhân thương mại. Theo đại biểu, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ cần quy định: "Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Xử phạt hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đánh giá cao chất lượng của dự án luật. (Ảnh: VPQH)

Vấn đề thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Trong Dự luật, Chính phủ đề xuất hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.

Phương án một là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Các hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành là xử phạt hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phần lớn các đại biểu phát biểu thảo luận đồng tình với phương án 2. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần giữ nguyên quy định hiện hành, áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để phát huy vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này và đề cao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc phát hiện kịp thời vi phạm.

Mặt khác, xử lý hành chính cũng góp phần làm giảm gánh nặng cho Tòa án trong tố tụng dân sự và chi phí cho bên khởi kiện. "Cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị xử phạt vi phạm nhiều lần mà vẫn tái phạm để phòng ngừa, răn đe và để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng nên lựa chọn phương án 2. Vì, nếu theo phương án 1 thì chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số hành vi xâm phạm như quyền tác giả, quyền liên quan… thì bị xử lý hành chính, một số hành vi xâm phạm như đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp… thì không bị xử lý hành chính.

“Có ý kiến cho rằng hành vi xâm phạm quyền dân sự cần được xử lý bằng biện pháp dân sự. Theo tôi, hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự để xử lý như yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể sử bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Xử phạt hành chính với tất cả hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu. (Ảnh: VPQH)

Nếu loại trừ việc xử lý hành chính sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan Nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên”, đại biểu phân tích.

Theo đại biểu, trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính với Nhà nước. Người bị xâm phạm vẫn có quyền khởi kiện, yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại...

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ tiếp thu ý kiến về việc không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tức là phương án 2.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này