Tái diễn vi phạm trật tự đô thị sau giãn cách

13:34 | 26/10/2021
(LĐTĐ) Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tuyến đường, phố tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh, khiến dư luận bức xúc.
Thống nhất giải quyết vướng mắc vi phạm trật tự đô thị khu vực cầu T11 Bưởi - Hoàng Quốc Việt Nỗ lực xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn phường Thành Công

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Vỉa hè bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, bày bán các hàng ăn uống, các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa...; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và cũng thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Đó vẫn là những hiện trạng “nhức nhối” của bộ mặt đô thị.

Tái diễn vi phạm trật tự đô thị sau giãn cách
Sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác. (Ảnh chụp trên phố Đường Thành)

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Đường Thành, Lê Duẩn, Hồ Tùng Mậu… xuất hiện tình trạng các tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán các mặt hàng như trái cây, hoa, cây cảnh, cá cảnh…

Cụ thể, trên phố Đường Thành, đoạn gần rẽ ra phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên xuất hiện hàng rong dừng đỗ, chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường để buôn bán, gây cản trở việc đi lại của người tham gia giao thông. Nhiều người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị lấn chiếm.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán trở lại không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mà còn gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người khi chứng kiến tình trạng các tiểu thương ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán đã bày tỏ quan điểm cần xử lý nghiêm những người vi phạm để chấm dứt tình trạng trên và đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông…

Nghiêm trọng hơn, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ diễn biến phức tạp, việc người dân tập trung mua bán tại các điểm tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Chúng ta không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe trên vệ đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy việc kinh doanh, buôn bán tự phát trên vỉa hè, lòng đường dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và trở thành một phần khó tách rời trong nếp sống sinh hoạt của người dân thành phố.

Hà Nội lại “nhức nhối” về vi phạm trật tự đô thị sau giãn cách
Tình trạng đỗ xe trên vỉa hè diễn ra trên phố Vệ Hồ, quận Tây Hồ.

Tuy nhiên, điều này cũng nói lên sự quá tải về cơ sở hạ tầng, sự thiếu kết nối, đồng bộ trong việc quy hoạch hệ thống giao thông đô thị; và đặc biệt là sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán…

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên và trở thành vấn nạn nhức nhối của thành phố. Dẫu biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến vấn đề mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này cần phải sớm khắc phục để trả lại không gian thoáng đãng cho cảnh quan đô thị.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lập lại trật tự trên các tuyến đường. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vắng mặt thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn.

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng việc xử lý vi phạm còn mang nặng tính hình thức, không thực sự quyết liệt.

Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò của các ban ngành, đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định pháp luật có liên quan chưa thường xuyên, kịp thời và hiệu quả…

Tái diễn vi phạm trật tự đô thị sau giãn cách
Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị.

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trên thực tế, người dân tại một số nơi xem việc sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích kinh doanh, đỗ xe như việc làm hiển nhiên. Hay nói cách khác, một số hộ dân mặc định việc chiếm giữ vỉa hè, lòng đường như hành vi bình thường mà không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, khi vỉa hè bị chiếm giữ, đồng nghĩa với việc đánh mất ranh giới ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây ách tắc cho người và phương tiện tham gia giao thông… Các lực lượng chức năng cần xử phạt thật nghiêm...

Tái diễn vi phạm trật tự đô thị sau giãn cách
Lực lượng Công an phường Kim Liên (quận Đống Đa) yêu cầu một chủ cửa hàng kinh doanh ký cam kết không vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Cùng với quy hoạch, mở rộng vỉa hè và tái lập trật tự an toàn giao thông, thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt hơn từ công tác tuyên truyền đến xử lý vi phạm để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, kinh doanh.

Việc tái lập trật tự đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện. Muốn vậy, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành chức năng thì người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành các quy định pháp luật như: không dừng, đậu xe, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vứt, xả rác bừa bãi; cùng chung tay xây dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.

Quỳnh Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này