Gỡ nút thắt để phục hồi kinh tế

08:42 | 26/10/2021
(LĐTĐ) Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Các chuyên gia cũng cho rằng, các tỉnh, thành cần thực hiện một cách nhất quán, đồng bộ, linh hoạt trong việc vận dụng các nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành.
Cần các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội xác định thúc đẩy đầu tư công để phục hồi kinh tế

Lường trước các kịch bản tốt - xấu

Tại Tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2021, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế vĩ mô cho biết: GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý. Khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực nông lâm và thủy sản tăng nhẹ 1,04%. Tính chung GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý 3 kèm theo các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Lạm phát do chi phí là một rủi ro cần phải được giám sát chặt, bất kỳ một sự nới lỏng tiền tệ nào đều cần phải hết sức thận trọng.

Gỡ nút thắt để phục hồi kinh tế
Đón trước thời cơ dịp mua sắm trước Tết. (Ảnh: Đỗ Đạt)

Với thực trạng hiện tại, VEPR đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Theo kịch bản xấu, bệnh dịch vẫn có nguy cơ tái bùng phát. Tình trạng “đóng - mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. Theo đó, mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất chế biến, chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được dự báo ở mức 1-1,5%.

Ở kịch bản tốt, trong điều kiện cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý 4/2021. Tình trạng phong tỏa như trong quý 3 không lặp lại. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2-2,5%.

Cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2021 cho thấy, trong 9 tháng vừa qua, nền kinh tế Việt Nam phải gồng mình để chống chọi với tình hình chống dịch kéo dài, lan rộng, thậm chí rất cực đoan. Và lần đầu tiên Việt Nam nhận một kết quả tăng trưởng kinh tế âm cao. Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài sang quý 4, cho nên tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và kết quả cho cả năm vẫn còn là một thách thức, điều đó đòi hỏi những việc cần làm ngay để phục hồi nền kinh tế, thay vì chờ đợi một chính sách lâu dài.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, ngay lúc này, Chính phủ, các tỉnh, thành và đặc biệt là các tỉnh, thành ở phía Nam cần sớm cho phép hàng hóa, dịch vụ, con người được lưu thông một cách tự do, dễ dàng, thuận lợi. Chúng ta tranh thủ để chào đón 3 sự kiện quan trọng sắp tới.

Gỡ nút thắt để phục hồi kinh tế
Cần trao quyền chủ động có điều kiện cho doanh nghiệp. (Ảnh: Lương Hằng)

Thứ nhất, là đợt mua sắm cuối năm, đây là dịp tổng cầu của nền kinh tế tăng rất cao do đặc tính của người dân Việt đều tập trung mua sắm để kết thúc một năm làm việc, kinh doanh, chuẩn bị cho những kế hoạch của năm tới, cho nên quý cuối năm là quý hoạt động đầu tư lẫn tiêu dùng từ cá nhân đến tổ chức đều tăng rất cao. Vì vậy, phải làm cho các hoạt động thông thương được diễn ra một cách dễ dàng, thuận lợi để chào đón làn sóng này.

Thứ hai, là hiện nay khi quá trình phục hồi kinh tế quay lại, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ khôi phục lại sản xuất kinh doanh nên có nhu cầu mua sắm, nguyên vật liệu, trang hoàng lại quán xá, cửa hàng, phục hồi lại các dây chuyền sản xuất đang ngưng trệ và đặc biệt là phục hồi lại các công trình đang dở dang. Họ muốn tiếp tục vận hành thì phải chuyên chở sắt, thép, vữa, trang thiết bị… nhưng đang bị tắc nghẽn rất lớn quá trình lưu thông hàng hóa.

Thứ ba, là học sinh sinh viên đi học trở lại sẽ kéo theo nhu cầu rất lớn, lúc đó các hoạt động tiêu dùng mới diễn ra một cách đầy đủ. Hiện nay cha mẹ đi làm nhưng con cái vẫn ở nhà thì hàng loạt nhu cầu đó vẫn chưa nhiều. Tóm lại, việc thông thương các dịch vụ cần làm ngay và càng nhanh càng tốt”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bảo, các tỉnh, thành, địa phương cần thực hiện một cách nhất quán, đồng bộ, linh hoạt trong việc vận dụng các nội dung Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở rất nhiều lần các địa phương không được đưa ra các sáng kiến, đặc thù của mỗi địa phương để tạo ra sự bất nhất trong chính sách đối với doanh nghiệp và người dân, nhưng cho tới lúc này vẫn còn đang diễn ra ở một vài tỉnh, thành. Việc đi lại lưu thông hàng hóa vẫn vướng những sự khác biệt trong chính sách này. Chính vì vậy mà doanh nghiệp, người dân còn rất e dè trong việc có nên bắt đầu ngay từ lúc này hay là tiếp tục chờ một văn bản, một động thái rõ ràng hơn từ Chính phủ.

“Chúng ta chậm từng nào thì quá trình phục hồi kinh tế càng chậm từng ấy. Mà văn hóa của người Việt là hay “đợi ra Tết” mới làm gì thì làm. Hiện nay, Tết Nguyên đán cũng đang đến gần, nếu chúng ta không tranh thủ tối đa, nền kinh tế sẽ lại chìm sâu trong một khoảng thời gian “không làm gì cả”, mà quá trình phục hồi thì cần ngay và luôn”, ông Bảo nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các địa phương đang kiểm soát dịch tốt nên mạnh dạn trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động khôi phục sản xuất thay vì đưa quá nhiều quy định cục bộ. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp lạc quan hơn, vững tin hơn vào sự bền vững trong quá trình phục hồi của mình.

Các chuyên gia cũng đề nghị sớm có giải pháp thúc đẩy kinh tế nội địa, tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa song song với việc cố gắng giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, các dự án FDI. Nhanh chóng cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa thực sự cần thiết như các nhà hàng, quán bar, vũ trường… hoạt động trở lại để thúc đẩy du lịch bởi ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào các ngành dịch vụ giải trí. Ưu tiên đảm bảo yếu tố đầu vào, đặc biệt là năng lượng để các nhà máy tăng gia sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục bao phủ vắc xin và thực hiện tiêm vắc xin cho trẻ em để trẻ em đến trường, giải phóng cho bố mẹ tiếp tục đi làm, gia tăng lao động sản xuất. Nhà nước cũng cần tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm tái thiết, ví dụ như chưa vội thanh tra, kiểm tra trong vòng 1-2 năm để doanh nghiệp tập trung phục hồi…/.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này