Xét xử trực tuyến: Nên áp dụng với những vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản

22:16 | 24/10/2021
(LĐTĐ) Thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được tiến hành thận trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân do xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến: Bước đi cần thiết để xây dựng tòa án điện tử Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn lĩnh án 30 tháng tù giam Xét xử phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ: Không đồng ý để Công ty Mai Phương bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh

Đề xuất thí điểm thực hiện trong thời hạn 3 năm

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan, trong đó có Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cho ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị quyết phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, với những vụ việc phức tạp, bị cáo không nhận tội, vụ án có nhiều đồng phạm tham gia… vẫn cần xét xử trực tiếp. Xét xử trực tuyến chỉ áp dụng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ việc dân sự, hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản.

Xét xử trực tuyến: Nên áp dụng với những vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản
Phiên thảo luận trong ngày 24/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cũng cho biết, đây là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa quy định nên cần chuẩn bị chu đáo, có quy định chi tiết để tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan tiến hành và tham gia tố tụng.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, qua nghiên cứu các đạo luật tố tụng cho thấy, hiện tại chưa quy định rõ ràng về phiên tòa trực tuyến, mà chỉ quy định về nguyên tắc xét xử trực tiếp và tại phòng xử án. Theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba, đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Chính vì vậy, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cần phải nghiên cứu thận trọng và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi trình với Quốc hội. Đại biểu tán thành với chủ trương trình Quốc hội là đúng thẩm quyền. Đây là nội dung mới vì xác định có tính chất lâu dài để xu hướng tới xây dựng tòa án điện tử, tòa án thông minh theo chủ trương của Đảng. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành Nghị quyết cho phép tòa án thực hiện thí điểm trong thời hạn 3 năm về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cơ sở pháp lý.

“Nên lựa chọn những vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng đầy đủ. Lựa chọn một số tỉnh thành có điều kiện để tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ chủ trì và phối hợp với cơ quan đánh giá tổng kết việc thi hành để sửa đổi các luật tố tụng cho phù hợp”, đại biểu Lê Thanh Hoàn kiến nghị.

Cần rà soát, bố trí nguồn lực cho xét xử trực tuyến

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm và cho rằng, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa có tiền lệ, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, cần được tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm. Đồng thời, cần tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành... Bên cạnh đó, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần phải đảm bảo nguồn lực, nhân lực sẵn sàng để thực hiện có hiệu quả với các phiên tòa trực tuyến.

Xét xử trực tuyến: Nên áp dụng với những vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn thành phố Hà Nội.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, phán quyết của tòa án có ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người, quyền công dân và những vấn đề liên quan đến bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân và công lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của nghị quyết, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về tố tụng, nhất là nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, nguyên tắc xét xử công bằng, công khai, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc xét xử liên tục… đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan phải bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cần đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tổ chức và tham gia phiên tòa trực tuyến. Bảo đảm các tiêu chí chung đối với hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến. Thực hiện xét xử trực tuyến trên công nghệ mạng internet, hỗ trợ nhiều giao thức. Không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh trong quá trình xét xử trực tuyến cho các đối tượng không được cấp quyền truy cập.

“Bảo đảm hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải có những chức năng đáp ứng tiêu chí về âm thanh, hình ảnh, chia sẻ màn hình, điều khiển của chủ tọa phiên tòa, đưa người vào hoặc đẩy người ra khỏi phiên tòa. Bảo đảm hệ thống phần mềm phải đáp ứng những tiêu chí về hiệu năng, số lượng điểm cầu và thời gian hoạt động liên tục. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong xét xử trực tuyến...”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện.

Mặt khác, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng lao động, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện. Do đó, để triển khai thực hiện tốt quy định này, khi Nghị quyết có hiệu lực, đại biểu cho rằng cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện đảm bảo thực hiện việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tại hơn 700 tòa án cấp huyện, tòa án quân sự và các cơ sở tạm giữ, tạm giam do ngành công an quản lý.

Từ đây, đại biểu nhấn mạnh tính cấp thiết phải có ngân sách để đầu tư, trang bị các thiết bị điện tử, kỹ thuật, công nghệ cho việc kết nối các điểm cầu thành phần để phục vụ công tác xét xử trực tuyến cũng như kinh phí để tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và dự thảo thông tư liên tịch do Ban soạn thảo trình chưa đề cập đến. Vì vậy, đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc có điều khoản quy định về nội dung ngân sách tổ chức thực hiện để thuận lợi cho tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan tố tụng khi triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này