Án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng

23:06 | 23/10/2021
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Tăng cường công tác truyền thông trong thi hành án dân sự, hành chính Hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện phương án làm việc linh hoạt, vừa đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Năm 2021, tổng số việc phải thi hành là 843.917 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 652.177; đã thi hành xong là 494.505 việc, đạt 75,82%. Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 289.190 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành trên 148.456 tỷ đồng, đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%.

Trong đó, về án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong là 4.503 việc, thu được trên 18.246 tỷ đồng; án kinh tế - tham nhũng đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng...

Án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: VPQH)

Về thi hành án hành chính, các cơ quan Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 944 bản án, quyết định về hành chính, đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định. Đồng thời, có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc, đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, kết quả thi hành về việc, về tiền của toàn hệ thống vẫn còn thấp so với yêu cầu; còn tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được chỉ ra là do đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều địa phương nên hoạt động thi hành án dân sự (THADS) (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản…) bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn (chiếm 24,9% về tiền so với tổng số phải thi hành), nhiều bản án mới có hiệu lực thi hành đang trong quá trình xử lý tài sản, nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 96/2019/QH14.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật THADS quy định mới về trường hợp ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để tạo điều kiện rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, đặc biệt trong trường hợp thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát THADS, thi hành án hành chính ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, kết quả chung về thi hành án giảm 5,59% về việc và 8,89% về tiền so với năm trước; một số nhiệm vụ không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để. Viện Kiểm sát nhân dân đã phát hiện 2.675 quyết định thi hành án có vi phạm; 2.451 việc vi phạm trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án; 145 việc vi phạm trong áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; 922 việc vi phạm trong xử lý tài sản, vật chứng…

Tỷ lệ án hành chính thi hành xong vẫn thấp (48,19%); số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng; còn nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành án.

“Cơ quan Thi hành án dân sự đã kiến nghị xử lý trách nhiệm 67 trường hợp không chấp hành án hành chính, nhưng đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa xử lý trường hợp nào”, Báo cáo thẩm tra nêu.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này