Cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng xã hội, để có cơ hội được thi đua

16:53 | 23/10/2021
(LĐTĐ) Góp ý xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sáng 23/10, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng tập thể, cá nhân trong xã hội, bởi các quy định Luật hiện hành mới chỉ hướng vào các cơ quan, đơn vị hành chính. Vì vậy, rất ít người dân, người lao động tự do, doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và được các cấp khen thưởng thi đua...
Đề xuất bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu” LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, giáo viên Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động

Đề nghị bổ sung danh hiệu công nhân tiêu biểu, xuất sắc

Sáng 23/10, tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi lắng nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về 2 dự án Luật này.

Cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng xã hội, để có cơ hội được thi đua
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 23/10

Tại Tổ 10 (Đoàn thành phố Hà Nội), góp ý kiến xây dựng vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn thành phố Hà Nội) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội Quốc hội và cho rằng, dự án Luật đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay.

Tuy nhiên, để công tác thi đua, khen thưởng đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Đoàn Hà Nội kiến nghị, cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng tập thể, cá nhân trong xã hội, bởi các quy định Luật hiện hành mới chỉ hướng vào các cơ quan, đơn vị hành chính. Vì vậy, rất ít người dân, người lao động tự do, doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và được các cấp khen thưởng thi đua.

“Đề nghị nghiên cứu bổ sung danh hiệu công dân xuất sắc, công nhân tiêu biểu dành riêng để tôn vinh những người dân, người lao động tự do, công nhân lao động trong các thành phần kinh tế. Chỉ có quy định riêng biệt như vậy thì các đối tượng, thành phần yếu thế trong xã hội mới có cơ hội được tiếp cận và được tôn vinh trong các phong trào thi đua”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Đề cập đến các phong trào thi đua, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, các phong trào thi đua hiện nay còn mang tính hành chính hóa; các tiêu chuẩn, điều kiện, các danh hiệu thi đua, khen thưởng còn mang tính cộng dồn thành tích, không kích thích được sự sáng tạo của các phong trào…

Cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng xã hội, để có cơ hội được thi đua
Đại biểu Nguyễn Phi Thường tham gia góp ý xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Bên cạnh đó, để tạo sự minh bạch, hạn chế tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng tạo sự minh bạch, kịp thời, thuận tiện trong tiếp nhận, quyết định khen thưởng đối với tập thể, cá nhân, góp phần chống tiêu cực trong thi đua khen thưởng…

“Cần đưa vào Luật Thi đua, khen thưởng những quyền lợi ưu đãi, ngoài vấn đề tiền thưởng, đối với những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, thì cần có thêm những ưu đãi như hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, tăng lương, mua nhà, đăng tên trên bảng vàng quốc gia…”, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị.

Người lao động có danh hiệu vẫn là vấn đề khó khăn

Bày tỏ sự đồng tình khi Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã nhấn mạnh việc quan tâm đến người lao động, khi người lao động có thể có danh hiệu, song đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề rất khó khăn. Theo đại biểu, nếu không có sự đột phá để khích lệ những doanh nghiệp, người lao động trực tiếp thì rất khó có thể có được danh hiệu thi đua khen thưởng.

Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng nhấn mạnh hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua khen thưởng vẫn chung chung và chủ yếu dành cho cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính Nhà nước. Vì thế, việc sửa đổi Luật cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn và cần cụ thể, hạn chế chung chung. Cụ thể, với doanh nghiệp tư nhân, người lao động có thể nộp thuế bao nhiêu, để Luật Thi đua, khen thưởng trở thành động lực cho các đối tượng được khen thưởng tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội. Vì thế, việc thi đua cần gắn với thành tích, đóng góp của cá nhân.

“Quy trình thủ tục thi đua hiện nay do các cơ quan thi đua khen thưởng thực hiện, song với khối doanh nghiệp tư nhân, người lao động sản xuất trực tiếp lại không có người đảm nhận việc này. Vì thế, có thể bỏ sót những tập thể, cá nhân cần được khen thưởng. Hiện các cơ quan Nhà nước có quỹ khen thưởng dùng Ngân sách Nhà nước, vậy các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước không có quỹ này thì cần phải tính đến”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.

Cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng xã hội, để có cơ hội được thi đua
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội)

Nêu ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, thi đua khen thưởng có thể tạo ra sự háo danh và bệnh thành tích. Nếu ví dụ về quan điểm này, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, để đạt được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay Nghệ sĩ ưu tú thì rất thuận lợi đối với các nghệ sĩ biểu diễn.

Tuy nhiên, với một số lĩnh vực vì không có ai, không có khán giả nên không thể biểu diễn và không có huân, huy chương để được xét tặng các danh hiệu này. Do đó, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức ra những không có khán giả mà chỉ để có huy chương, giải thưởng để xét tặng danh hiệu. Và đây là vấn đề vẫn còn nặng tính hình thức trong giới nghệ sĩ…

Trước đó, trình bày Tờ trình về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã có đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực hơn... Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cụ thể, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; phong trào nhiều nhưng hiệu quả, tác dụng một số phong trào thi đua chưa cao; một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua và công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất; chưa quy định rõ trách nhiệm của "Người đứng đầu" cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong chỉ đạo, triển khai tổ chức phong trào thi đua theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị…

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này