Đề xuất bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”

13:00 | 23/10/2021
(LĐTĐ) Việc bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu” đối với người dân ở phạm vi cấp xã, phường, thị trấn là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp – Đó là ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 23/10.
Công đoàn phường Cầu Diễn: Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đoàn viên Gắn công tác thi đua khen thưởng với thực tiễn Công tác khen thưởng của ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng đi vào nề nếp

Làm rõ việc thay đổi tên gọi “gia đình tiêu biểu”…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.

Đề xuất bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đề cập đến nội dung bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26), theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung danh hiệu thi đua này đối với người dân ở phạm vi cấp xã, phường, thị trấn là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và làm rõ thêm: Các danh hiệu thi đua này có làm cơ sở để xem xét danh hiệu thi đua cao hơn không; làm rõ nội hàm, phạm vi “tiêu biểu”; rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn để bảo đảm tính khả thi và tính ổn định của quy phạm pháp luật.

Liên quan đến nội dung thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố (Điều 27 và Điều 28), Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: Cơ sở của việc đổi tên, nội hàm, phạm vi, tính chất và cấp độ của “tiêu biểu”; làm rõ mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua “gia đình tiêu biểu” và “gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội” (là đối tượng được bổ sung hình thức khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (khoản 6, Điều 72), “Bằng khen của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” (khoản 5 Điều 73).

Đối với hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng: Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm nhất quán từ khi xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 là: Huân chương, Huy chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước là các hình thức khen thưởng của Nhà nước theo các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ, nguyên lý này có tiếp tục được áp dụng đối với việc quy định các hình thức khen thưởng trong sửa đổi lần này hay không?

Về tiêu chuẩn khen thưởng, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng để bảo đảm khắc phục đầy đủ hạn chế đã tổng kết; (ii) cân nhắc giữ quy định hiện hành để không bỏ sót đối tượng (những tập thể không thuộc cụm, khối thi đua) đối với một số hình thức khen thưởng (ví dụ như “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Lao động”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”…) khi tiêu chuẩn khen thưởng gắn với “Cờ thi đua của Chính phủ”.

“Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” chưa đủ điều kiện bổ sung

Một vấn đề mà dư luận quan tâm thời gian qua, đó là bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 51 và Điều 55). Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội thấy rằng: Thứ nhất, Thanh niên xung phong kháng chiến là lực lượng đã có nhiều hy sinh, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc. Việc ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng chung cho thành tích kháng chiến là hết sức cần thiết và đã được quy định thống nhất trong hệ thống khen thưởng trước năm 2003 cho tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong.

Đề xuất bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”
Đề xuất bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”

Trên thực tế, lực lượng Thanh niên xung phong đã được nhận các hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước và về cơ bản, các cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích. Thanh niên xung phong nếu là người có công với Cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và những chính sách khác đối với thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, Thanh niên xung phong ở cơ sở miền Nam…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành không quy định về hình thức khen thưởng huân chương, huy chương đối với người có thành tích kháng chiến mà quy định việc tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và giao Chính phủ hướng dẫn thể thức, thời hạn kết thúc (khoản 1 Điều 101 Luật hiện hành), không có quy định riêng đối với Thanh niên xung phong trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi đó, thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, là để ghi nhận sự tham gia, đóng góp xây dựng lực lượng Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã được tặng “Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong”.

Do đó, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc vì: Chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật trong lần sửa đổi này.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này