Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững

18:07 | 22/10/2021
(LĐTĐ) Báo cáo tại phiên họp ngày 22/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế…
Số tiền bồi thường chỉ 972 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu lên tới 3.590 tỷ đồng Phải có bằng đại học chuyên ngành bảo hiểm Cơ hội cho khách hàng "chạm" đến giải pháp tài chính và bảo vệ tài sản toàn diện

Tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung bảo hiểm bắt buộc tại Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hộ khóa XV sáng ngày 22/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Theo Ủy ban Kinh tế, hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc; thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế…

Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trong nội dung trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...

Thẩm tra một số nội dung cụ thể của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.

Về áp dụng pháp luật, dự án Luật đã cụ thể hóa các nội dung được xác định sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc ưu tiên áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù về kinh doanh bảo hiểm là hợp lý, nhưng việc quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật như tại Điều 3 của dự thảo Luật sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu không quy định nội dung này; tiếp tục rà soát, bổ sung quy định đặc thù so với luật khác ngay tại dự thảo Luật...

Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững
Toàn cảnh phiên họp

Liên quan đế vấn đề bảo hiểm bắt buộc, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc; thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp; tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý Nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020...

Cần thiết xây dựng Luật kinh doanh Bảo hiểm

Trước đó, thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đồng thời cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Đối với nội dung về hợp đồng bảo hiểm, dự án Luật cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm, một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ Luật dân sự và thực tiễn của thị trường như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền…

Bên cạnh đó, về nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này