Cần giữ quy định phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

11:44 | 22/10/2021
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và hai dự án luật Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật và cho rằng việc sửa đổi sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, hướng tới thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.

Điểm mới quan trọng trong Dự luật là quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điểm a khoản 1 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cần giữ quy định phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. (Ảnh: VPQH)

Cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi theo 2 phương án. Phương án 1 là không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đại diện một số doanh nghiệp nước ngoài đã có ý kiến không tán thành với phương án này của dự thảo Luật. Tổng kết thực tiễn thi hành cũng thấy quy định hiện hành không có vướng mắc gì, qua thẩm tra Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá quy định hiện hành không loại trừ quyền khởi kiện dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại của các bên. Do đó, không nhất thiết phải sửa đổi nội dung này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là luật khó, liên quan yêu cầu nội luật hóa nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu và lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến của nhiều bên liên quan, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Cần giữ quy định phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: VPQH)

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng thống nhất với Phương án 2 là vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bởi, Phương án 1 về việc không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà xử lý bằng biện pháp dân sự có một số điểm chưa hợp lý. Điều này có khả năng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để duy trì trật tự công.

Theo đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Báo cáo tổng kết thi hành Luật cho thấy việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả.

Vì vậy, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, nên cần giữ nguyên như quy định hiện hành.

Dự thảo Luật sẽ bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều và bãi bỏ 2 điều, tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi gồm 232 điều. Trong Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội đối với 2 nội dung chính: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này