Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

19:28 | 21/10/2021
(LĐTĐ) Tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề là tới đây phòng, chống dịch Covid-19 thế nào và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ra sao.
Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội [Infographic] Chương trình hành động của Chính phủ: Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch

Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã thống nhất xây dựng Chiến lược, Kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.

Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vắc xin + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vắc xin hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vắc xin là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế.

Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP (ảnh: VPQH)

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô thì phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản.

“Ngay sau Hội nghị Trung ương, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan; các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông…

Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.

Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thảo luận tại tổ (ảnh: VPQH)

Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiện hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nhiều đại biểu cho rằng, phải rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành, thực thi các chính sách phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế vừa qua. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp quá rộng, quá dài, quá mức cần thiết trong phòng, chống dịch và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đang phải trả giá bằng sự đi xuống của nền kinh tế…

Cơ bản thực hiện xong gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Phát biểu về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác an sinh xã hội trong năm 2021 được thực hiện rất bài bản, khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương, đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ theo Nghị quyết 68.

Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác an sinh xã hội trong năm 2021 được thực hiện rất bài bản (ảnh: VPQH)

Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116 là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua doanh nghiệp. Về cơ bản đến nay đã thực hiện xong”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đáng quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi. Trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ. “Vừa qua có những doanh nghiệp muốn thành lập những cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các em. Chúng tôi thì không khuyến khích cái này, bởi gia đình là tất cả đối với các cháu. Khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm Nhà nước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, có một số tổ chức quốc tế đăng ký xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu rõ quan là khuyến khích nếu hỗ trợ tiền cho các cháu, vật chất cho các cháu, Nhà nước đứng ra nhận, chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu cho các cháu. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này