Sau đại dịch là cơ hội?

09:28 | 21/10/2021
(LĐTĐ) Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, quán ăn tại Hà Nội gặp khó khăn, nhiều chủ cửa hàng phải treo biển tạm nghỉ, sang nhượng mặt bằng, thậm chí phải đóng cửa kinh doanh. Trước những khó khăn đó, nhiều chủ cho thuê đã phải hạ giá thuê mặt bằng, động thái này ngay lập tức trở thành cơ hội “vàng” để các nhà kinh doanh, tiểu thương nắm bắt có cơ hội để có được những địa điểm kinh doanh tốt nhất với giá hợp lý nhất.
Thị trường cho thuê mặt bằng sau dịch Covid-19: “Gió tầng nào gặp mây tầng đó” Giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh Nhiều cửa hàng trên phố cổ trả mặt bằng vì dịch Covid-19

Theo khảo sát của phóng viên tại khu vực Hà Nội cho thấy, thời gian gần đây, người thuê trả mặt bằng kinh doanh đang diễn ra hàng loạt, thậm chí nhiều địa điểm trước đấy từng được xem là “hot” với giới kinh doanh, nay cũng rơi vào thực trạng khó khăn phải sang nhượng. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra và nó chứng tỏ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia bất động sản, thị trường cho thuê mặt bằng đã xuất hiện hai xu hướng sau dịch. Thứ nhất đó là, bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê mặt bằng đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Thứ hai là xu hướng khách thuê mặt bằng đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá bằng cách gây áp lực, chẳng hạn như đưa ra ý kiến về việc trả mặt bằng.

Sau đại dịch là cơ hội?
Người kinh doanh có nhiều cơ hội tìm kiếm được những mặt bằng đẹp, giá hợp lý sau dịch Covid-19

Trong “cái rủi lại có cái may”, khi “cơn sốt” cho thuê mặt bằng kinh doanh không còn phổ biến nữa, xu hướng bán hàng online (trực tuyến) lên ngôi, thì để đưa ra những giải pháp phù hợp, các doanh nghiệp hay chủ nhà có mặt bằng cho thuê cần chủ động giảm giá để giữ khách. Mặt khác, việc có nhiều người trả lại mặt bằng, lại trở thành cơ hội cho nhiều đối tượng khách hàng khác có thể tìm kiếm được một vị trí kinh doanh mới tốt hơn với giá thuê hợp lý…

Mong muốn kiếm được một mặt bằng đẹp, hợp lý để mở quán cà phê từ lâu, tuy nhiên, chị Vân Nga ở (Hà Cầu, Hà Đông) cũng không thể tìm được một mặt bằng kinh doanh ưng ý. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh không thể trụ nổi đã phải sang nhượng mặt bằng. Nắm bắt được cơ hội này, chị Vân Nga nhanh chóng tìm được cho mình một mặt bằng đẹp, hợp lý tại khu vực hồ Văn Quán (Hà Đông). Chị Vân Nga cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt bằng mà chị thuê lại được được chủ nhà giảm từ 35 triệu/tháng, xuống còn gần 30 triệu/tháng.

“Lâu nay, việc tìm kiếm được một địa điểm kinh doanh có vị trí đẹp, phù hợp ở Hà Nội là rất khó, mà nếu có thì giá thuê cũng rất “chát”. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người kinh doanh gặp khó, thế nhưng, rất may mắn với tôi vì nó lại mở ra cơ hội để tôi có thể tìm được mặt bằng đẹp, giá hợp lý. Khó khăn của người này, sẽ mở ra cơ hội cho người khác nếu như mình biết nắm bắt cơ hội”, chị Vân Nga chia sẻ.

Cơ hội không chỉ đến với những người đang tìm kiếm mặt bằng kinh doanh tại các phố, các khu vực sầm uất của Thủ đô, mà theo khảo sát của các chuyên gia bất động sản, thị trường cho thuê mặt bằng tại các Trung tâm thương mại, hệ thống phân phối hiện đại… cũng cho thấy sự điều chỉnh về chính sách cho thuê. Đơn cử như việc mới đây, Công ty Cổ phần Vincom Retail phát đi thông báo cho biết, doanh nghiệp này sẽ dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống, nhằm chia sẻ khó khăn do với các đối tác bởi sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề cập đến khó khăn và cơ hội với thị trường mặt bằng kinh doanh sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO, cho rằng, với tình hình hiện tại, các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai bên cùng chịu thiệt hại nặng…

Có thể thấy, việc cho thuê mặt bằng kinh doanh ở Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều điều được phân tích, mổ xẻ, chủ yếu ở góc độ giá cho thuê ở mức cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến khó lường, người dân có xu hướng đặt mua hàng qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng.

Đây là một xu thế tích cực, phù hợp trong thời đại công nghệ lên ngôi. Trong khi đó, xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay không có lợi cho nhiều bên, nhưng ít nhiều tác động đến xu hướng hoạt động của phía kinh doanh, dịch vụ trong dài hạn mà việc chuyển sang kinh doanh online chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, việc có nhiều mặt bằng kinh doanh trống không chỉ tạo cơ hội tìm kiếm vị trí kinh doanh tốt hơn cho nhiều người, mà còn có thể giúp giá thuê mặt bằng trở nên hợp lý./.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này