Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn

20:23 | 19/10/2021
(LĐTĐ) Chiều 19/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp và người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Cần các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế Bảo vệ thành quả phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế Muốn phục hồi nhanh cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết 128 ra đời đã khẳng định bước phát triển về nhận thức, ứng phó trước đại dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trong tình hình mới.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại tọa đàm.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, quan điểm của Chính phủ tại Nghị quyết này đã nhấn mạnh tới việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trước hết, đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt. Do đó, tọa đàm hôm nay sẽ góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong điều kiện bình thường mới.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu một số giải pháp để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ; đồng thời phải có những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

"Thời điểm hiện nay rất cần lãnh đạo các địa phương đối thoại, họp bàn với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để tìm ra vấn đề, các giải pháp thiết yếu không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà còn cho cả đất nước. Chính phủ cũng cần tận dụng các nguồn này để đưa ra chính sách gần với thực tiễn", ông Trần Đình Thiên chia sẻ.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn
Quang cảnh tọa đàm.

Đồng tình trước chủ trương xây dựng chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", "sống chung" với dịch bệnh, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng hết sức mình để chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt và tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp khác nhau, từ những giải pháp đơn giản như lập tổ điều phối phòng chống dịch trong doanh nghiệp, cung cấp thông tin chính thống cho người lao động về tình hình dịch, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động trước dịch bệnh cho đến những giải pháp phức tạp hơn như xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục trong tình hình dịch. Chẳng hạn, nhiều mô hình đã được các doanh nghiệp thử nghiệm trong thời gian dịch bệnh như tổ chức “Tổ An toàn Covid-19”, “Ba tại chỗ”, “Một cung đường - hai điểm đến”…

Phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phát biểu.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh những khuyến nghị quan trọng nhất trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sự vững vàng của cả ba trụ cột y tế, kinh tế và xã hội. Trong đó, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của doanh nghiệp trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin và sự chủ động cho các doanh nghiệp trong ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện.

Nhấn mạnh cần nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một thời cơ thực hiện đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, nhất là những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, chất lượng, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, cốt lõi, có tính thời sự để nhằm mục tiêu đưa đất nước ta nhanh chóng thích nghi với bối cảnh bình thường mới do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Khóa V chuẩn bị họp kỳ họp thứ hai vào ngày 20/10/2021 để bàn về những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, giải pháp đưa ra để duy trì được sản xuất, các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ, nắm bắt thời cơ để thực hiện đột phá về thể chế; loại bỏ những quy định là rào cản, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai những chính sách tạo tiền đề cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị và hoạt động của Chính quyền, người dân và doanh nghiệp tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này