Mở cửa du lịch trở lại: Không để mỗi nơi một kiểu

17:01 | 19/10/2021
Sau thời gian đóng băng kéo dài, một số địa phương đã mở cửa du lịch trở lại. Dù vậy, lộ trình đón du khách, nhất là khách liên tỉnh, vẫn còn khó khăn bởi chưa có bộ tiêu chí an toàn du lịch áp dụng thống nhất trên cả nước.
Khách du lịch nản lòng vì cách ly và phí xét nghiệm? Các tỉnh, thành tìm giải pháp khôi phục du lịch nội địa an toàn, linh hoạt

Vận tải và du lịch là hai ngành bị thiệt hai nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Như ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhận định, dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, khách du lịch giảm 90%, có khoảng 15% nguồn nhân lực nghỉ việc, 25% làm việc bán thời gian và còn lại hoạt động cầm chừng. Ngay như Vietravel, DN lữ hành hàng đầu Việt Nam nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chỉ đạt doanh thu 10%, các tháng sau đó thì doanh thu gần như bằng 0.

Trước dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Con số vàng của du lịch Việt Nam từng được cộng đồng quốc tế tán dương như năm 2019 như đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Đúng như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong giai đoạn này, ngành du lịch Việt Nam không đi vào số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng; làm sao để du khách được an toàn, an tâm, không phải vừa đi vừa lo dịch bệnh.

Bộ VHTT&DL đã có kế hoạch phục hồi, kích cầu hoạt động du lịch với 6 nhóm nhiệm vụ trọng yếu cần triển khai từ T.Ư đến địa phương. Theo đó, phải bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hỗ trợ DN đẩy nhanh phục hồi và cuối cùng là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch.

Đến giờ, Bộ GTVT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhưng đối với du lịch, chỉ nội hàm "bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch" hiện nay thì mỗi địa phương đang hiểu một cách khác nhau. Tâm lý khách du lịch cũng thay đổi khá nhiều, nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông, tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình, đến những điểm an toàn, không phải di chuyển quá nhiều.

Phú Quốc và Nha Trang đã chuẩn bị đón khách du lịch nội địa. Hiện Đà Nẵng đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc. Mấy ngày qua, nhiều địa phương đã từng bước mở cửa du lịch trở lại, song vẫn còn tình trạng quy định mỗi nơi một kiểu, thậm chí có nơi yêu cầu khách phải cách ly hoặc theo dõi sức khỏe... khiến cho cả khách du lịch lẫn DN lữ hành lúng túng.

Đến giờ các tỉnh, thành mới chỉ thống nhất được 2 điểm, giai đoạn đầu ưu tiên khôi phục lại du lịch nội địa. Ngoài ra, phải dùng công nghệ để kiểm soát an toàn. Rõ ràng, tiêu chí để có "du lịch xanh" gắn liền với vaccine, người dân địa phương phải đảm bảo tỷ lệ nhất định được tiêm chủng mới được mở cửa đón khách du lịch. Khách du lịch phải được tiêm chủng 1 hay 2 mũi vaccine mới được phép đi du lịch? Liệu có cần phải xét nghiệm PCR hay test nhanh hay không? Khái niệm hộ chiếu vaccine được hiểu như thế nào?

Được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Bộ VHTT&DL khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc. Bao giờ thì có hướng dẫn về tổ chức du lịch trong điều kiện bình thường mới vẫn là câu hỏi cần sớm được trả lời.

Theo Nguyễn An Thanh/kinhtedothi.vn

https://kinhtedothi.vn/mo-cua-du-lich-tro-lai-khong-de-moi-noi-mot-kieu-438329.html

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này