Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư

15:37 | 19/10/2021
(LĐTĐ) Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” sáng 19/10, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng vì đã có nhiều bước nới lỏng trong hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh, đồng thời hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy tắc thích ứng Covid-19 mới.
Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp biến “nguy” thành “cơ” để phục hồi sau đại dịch

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”, lãnh đạo các bộ, ngành, Thành phố và các sở, ngành đã trao đổi và tiếp thu, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Những tháo gỡ kịp thời này được các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của chính quyền thành phố Hà Nội.

Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh chia sẻ, khảo sát của Eurocham cuối tháng 8/2021 cho thấy 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội tháng 6 đến tháng 8.

“Nhìn lại thời gian qua, trước tiên phải nói rằng giãn cách xã hội trong hoàn cảnh dịch bùng phát là cần thiết, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn thấu hiểu và tuân thủ. Khảo sát của Eurocham cũng cho thấy các doanh nghiệp đồng tình với phần lớn nguyên tắc chống dịch của Chính phủ. Chúng tôi cũng thấu hiểu Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị và kinh tế của Việt Nam, vì vậy quan điểm thận trọng là hợp lý”, ông Nguyễn Hải Minh nói.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư
Toàn cảnh Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Ông Nguyễn Hải Minh cũng bày tỏ, trong những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng vì đã có nhiều bước nới lỏng trong hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh, đồng thời hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy tắc thích ứng Covid-19 mới.

Theo đó các biện pháp phòng, chống dịch được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trên toàn quốc tuỳ theo cấp độ dịch của từng khu vực. Song, ở khu vực quy mô nhỏ cấp xã, phường, ngành Y tế có thể đánh giá độ rủi ro ở từng khu vực để doanh nghiệp và người dân biết. Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm bình thường. Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...

“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Nới lỏng để doanh nghiệp nhanh phục hồi

Cũng tại Hội nghị, ông Inoue, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy phải tạm dừng, tỷ lệ hoạt động giảm sút do áp dụng quy định nghiêm ngặt.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phát biểu.

Theo đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất, trong trường hợp dịch bùng phát sau này, cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vắc xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không. Đồng thời, chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5-10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần. Ông Inoue đưa ra 3 đề xuất trên quan điểm “Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh Covid-19”, “phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa”, “duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng” trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai.

Cụ thể, ông Inoue kêu gọi Thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.

Thứ hai là về nới lỏng quy định vận tải hàng hoá, ông đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vắc xin và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.

Đề xuất thứ ba là nới lỏng quy định về hoạt động bán hàng. Theo lý giải của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ngành sản xuất kinh doanh theo nhu cầu trong nước không thể trở lại hoạt động trừ khi đảm bảo hoạt động bán hàng. Do đó, việc thiếu đồng bộ trong việc xác định loại dịch vụ bán hàng được phép hoạt động giữa các khu vực đang áp dụng biện pháp chống dịch, cũng như mất thời gian thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trở lại sau khi gỡ bỏ Chỉ thị 16. Một vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI là thuế và hải quan. Các doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm cần lưu ý về cách diễn giải các quy định thuế hoặc có một số trường hợp hồ sơ hoàn thuế bị kéo dài….

Đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài

Cũng tại Hội nghị, Công ty TNHH BizConsult đề xuất cho phép không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19; giãn thời hạn đóng bảo hiểm và một số chính sách liên quan đến bảo hiểm để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Trong khi Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam kiến nghị Thành phố hỗ trợ về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các quy hoạch phân khu liên quan, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai...

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư
Đại diện Eurocham phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, đại diện Bệnh viện Việt Pháp cho biết, trước tình trạng thiếu chuyên gia để cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, Bệnh viện mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào làm việc. Một số đại diện doanh nghiệp khác cũng đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc.

Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết; tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế. Phải tạo được niềm tin cho tất cả các doanh nghiệp FDI để mang chất xám phát triển Việt Nam, thành phố Hà Nội.

Giải đáp, tháo gỡ kịp thời kiến nghị

Lắng nghe những đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch và Cục Thuế Hà Nội đã ghi nhận, tiếp thu cũng như giải đáp cụ thể, chi tiết những ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khỏe người dân.

Trong đó, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đã có những đề xuất giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội… sau đại dịch.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã trả lời cụ thể ý kiến của các doanh nghiệp và việc quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam, nhập cảnh chuyên gia, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài. Theo đó, việc nhập cảnh của các nhà đầu tư và chuyên gia trong bối cảnh dịch bệnh đã được quy định rõ và có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ. Việc xử lý nhanh hay chậm tùy thuộc vào các địa phương. Theo quy định mới, giấy phép cho lao động người nước ngoài hết hạn cần được cấp mới, thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, hạn chế ca mắc và tử vong, khôi phục, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố cần bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chống dịch tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4, khi ca F0 xuất hiện tại phân xưởng nhà máy, chúng ta đã thực hiện theo nguyên tắc chỉ phong tỏa phân xưởng, sàng lọc, phun trùng khử khuẩn, sau 24 giờ, phân xưởng được hoạt động trở lại, chứ không phong tỏa cả nhà máy như các giai đoạn trước. Về an toàn trong du lịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, Hà Nội đã phê duyệt và cho mở cửa hoạt động trở lại 50% công suất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho các nhà đầu tư
Đại diện các sở, ngành Thành phố giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thể hiện sự tiên phong của Thủ đô, sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền Thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện lớn trong tư duy quản lý, từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ các giải pháp căn cơ, trong đó, sửa ngay những bất cập để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh số hoá thủ tục đầu tư, thúc đẩy nguồn nhân lực và tính đến những cơ hội mở rộng ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực dược, y tế,...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, dịch Covid-19 vẫn hiện hữu nên phải tiếp tục đặt công tác chống dịch lên hàng đầu. Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam gợi ý Thành phố cần có kế hoạch phục hồi riêng, theo hướng "đứt gãy ở đâu thì phục hồi ở đó"; doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào bị tổn thương thì tăng cường hỗ trợ, không cào bằng vì nguồn lực còn hạn chế. Cùng với đó tập trung phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, tạo nền tảng, hạ tầng cho Hà Nội; khuyến khích thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao mang lại giá trị lớn...

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tại Hội nghị. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ. Đồng thời khẳng định, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này