Kiến tạo các không gian để Hà Nội thêm văn minh

08:55 | 19/10/2021
(LĐTĐ) Trong quá trình Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các sáng kiến khi chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc thúc đẩy hình thành các không gian sáng tạo được coi là một trong những mấu chốt quan trọng.
Xây dựng không gian làm việc xanh cho người lao động Vườn hoa Hàng Đậu, không gian xanh giữa lòng phố cổ

Chú trọng sân chơi dành cho trẻ em

Được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, một trong những cam kết chiến lược của thành phố Hà Nội là phát triển mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ thông qua Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội để cung cấp, hỗ trợ và tạo cơ hội cho những các bạn trẻ cùng kiến tạo ra Thành phố của tương lai. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội đã lần lượt “chào đời” như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách Hà Nội...

Kiến tạo các không gian để Hà Nội thêm văn minh
Các không gian văn hóa công cộng tạo ra nhiều sân chơi, nâng cao chất lượng sống cho người dân. (Ảnh: Kim Tiến)

Cùng với đó là sự phát triển chủ động của nhiều mô hình không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến từ các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ… Trong đó, việc phát triển không gian văn hóa công cộng, sân chơi dành cho trẻ luôn được nhiều người quan tâm. Tại Hà Nội, một tổ chức mang tên Think Playgrounds (TPG) đang thu hút sự chú ý với tư cách là một nhân tố mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển sân chơi cho trẻ em thành thị. Việc trẻ em sống ở các thành phố phát triển không có đủ không gian mà chúng mong muốn để vận động thể chất và xây dựng mối quan hệ xã hội là một vấn đề chung trên toàn cầu.

TPG được Chu Kim Đức và Nguyễn Tiêu Quốc Đạt thành lập với tư cách một nhóm tình nguyện vào năm 2014, và được thành lập thành một doanh nghiệp xã hội vào năm 2016. Họ đã kiến tạo ra hơn 200 sân chơi. Các dự án sân chơi của TPG có một số đặc điểm chính. Thứ nhất là việc sử dụng các công viên bị bỏ quên hoặc các không gian chết trong các khu dân cư. “Không gian chết” là khoảng trống giữa các tòa nhà trong khu phức hợp nhà ở hoặc các khu vực chung không được sử dụng, nơi được dùng để đổ rác hoặc làm bãi đỗ xe bất hợp pháp. Thứ hai là “sân chơi di động”, một sự kiện biến một không gian cụ thể thành một sân chơi bằng cách mang đồ chơi và thiết bị vào đó. Thứ ba là nhận đơn đặt hàng xây dựng sân chơi trong khuôn viên trường học tư thục, khách sạn, khách hàng…

Thông tin tại Hội thảo “Không gian công cộng, không gian sáng tạo và giới trẻ” do Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức trực tuyến ngày 16/10, anh Quốc Đạt cho biết, sân chơi đầu tiên của TPG được xây dựng vào năm 2014 tại Bãi Giữa, một khu dân cư thu nhập thấp ven sông Hồng. Với sự hợp tác chặt chẽ của người dân, TPG đã lắp đặt xích đu, cầu trượt và bập bênh ở khu đất trống trong khu dân cư, bằng cách sơn lốp xe cũ và sử dụng gỗ tái chế. Các cư dân đã rất hợp tác và hài lòng với sân chơi được hoàn thành. Hay tại dự án Tân Mai (quận Hoàng Mai) vào năm 2019. TPG đã cố gắng biến đổi một “không gian chết” trong một khu dân cư của Thành phố.

Ngoài ra, TPG đã hợp tác với nghệ sĩ hoàn thành dự án tại huyện Đông Anh từ cuối năm 2020 đến tháng 2/2021. Đây là một nỗ lực hợp tác với các nghệ sĩ để cải thiện một quảng trường trong khu dân cư ở trung tâm thị trấn, và được thực hiện với sự hợp tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Đông Anh. Trong dự án này, nghệ sỹ Ưu Đàm đã đề xuất việc thiết kế một cấu trúc dùng làm biểu tượng tượng trưng cho khu vực. Anh tham khảo sự tích về di tích Thành Cổ Loa, nằm cách địa điểm khoảng 5km và đã chọn làm mẫu nỏ thần, tương truyền được vua An Dương Vương sử dụng vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để đánh bại giặc ngoại xâm. Sau đó, TPG đã đưa ra một cấu trúc có thể được sử dụng như sân chơi cho trẻ em để leo trèo hoặc trốn tìm. Đây không chỉ là không gian vui chơi cho trẻ em mà còn là điểm nhấn cho cộng đồng địa phương, có giá trị giáo dục về lịch sử, văn hóa của địa phương. Ở đây sân chơi đã trở thành một địa điểm có ý nghĩa và cùng lúc đem lại nhiều chức năng liên quan đến toàn bộ cộng đồng.

Ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ

Bên cạnh việc nỗ lực xây dựng những không gian công cộng mới, việc cố gắng khắc phục và biến những không gian cũ trở nên mới mẻ cũng đang được quan tâm. Trong đó, việc “tái sinh” các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo dành cho Thủ đô được xem là giải pháp “vẹn cả đôi đường”. Trên thế giới, các không gian sáng tạo được hình thành từ nhà máy cũ không phải là hiếm. Các cơ sở công nghiệp nặng và hạ tầng kiểu cũ như hầm mỏ, kho tàng, ga tàu, sân bay... khi phải đóng cửa do không phù hợp, người ta đã tìm cách chuyển đổi công năng để lưu lại ký ức, tìm cách phục vụ lại đời sống dân chúng thay vì phá bỏ.

Kiến tạo các không gian để Hà Nội thêm văn minh
Sân chơi cho trẻ luôn được cộng đồng, người dân quan tâm, chú trọng.

Còn tại Việt Nam, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo vẫn còn là điều mới mẻ, chỉ một số ít nhà máy cũ được chuyển đổi thành công. Có thể kể tới một số địa điểm tại Hà Nội, như: Nhà máy in báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), Nhà máy in Công đoàn cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa)…Trong kế hoạch di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội, Thành phố có tới gần 100 cơ sở nằm trong diện này. Đây là cơ hội lớn để xây dựng các không gian sáng tạo, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm thực hiện để phát triển Thành phố sáng tạo. Nhất là trong bối cảnh, Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng phục vụ người dân, hạ tầng xã hội đang chật chội và hơn nữa, để thực hiện đúng mục đích ban đầu là di dời các nhà máy ra khỏi nội đô nhằm phát triển các không gian công cộng, công trình phúc lợi phục vụ người dân.

Cũng tại Hội thảo “Không gian công cộng, không gian sáng tạo và giới trẻ”, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan (Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng) cho rằng, cần xem các nhà máy cũ là những giá trị quý báu, từng bước hiện thực hóa các không gian và cộng đồng sáng tạo. Thay vì biến những khu “đất vàng” sau khi di dời nhà máy trở thành các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại, theo bà Loan, các nhà máy cũ hoàn toàn có thể trở thành di sản công nghiệp, thành phần không thể tách rời của di sản văn hóa Hà Nội. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển sau khi được công nhận là thành viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuy nhiên, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cũng cho biết, việc tái sinh” các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cũng còn nhiều điều đáng phải bàn đến. Theo khảo sát thực trạng 39 nhà máy cần di dời tại quân Hai Bà Trưng và quận Thanh Xuân (khảo sát vào tháng 2, 3 của nhóm PPWWG và Vì một Hà Nội đáng sống) thì có 21 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong 21 nhà máy thì có 19 nhà máy được chuyển đổi thành tổ hợp chung cư thương mại, 1 làm đường trên cao (565 m2) và 1 thành đại học tư nhân. Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, hiện tại Hà Nội 10 nhà máy tiêu biểu có thể nhìn nhận dưới góc độ di sản công nghiệp và có nhiều tiềm năng xây dựng thành không gian sáng tạo. Điển hình như: Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia lâm, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Cao su Sao vàng... Đó là các nhà máy có không gian mang dấu ấn lịch sử, kiến trúc thuộc địa hấp dẫn, kết hợp độc đáo giữa kiến trúc dân dụng và công nghiệp; không gian thể hiện khí thế sản xuất hào hùng xây dựng đất nước giai đoạn hậu chiến./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này