Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

20:22 | 16/10/2021
(LĐTĐ) Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chiều nay (16/10), thay mặt công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã quan tâm phân bổ vắc xin, ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch cho CNLĐ để đảm bảo sản xuất. Nhờ đó đến nay, số CNLĐ Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội đã được tiêm vắc xin mũi 1 đạt 99% và hơn 50% đã tiêm mũi 2, cao hơn mức bình quân của Thành phố. Đồng thời, đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại
Trên 130.700 đoàn viên, người lao động được Công đoàn Thủ đô chăm lo, hỗ trợ Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh Thích ứng với tình hình để linh hoạt trong triển khai

Công đoàn đã chi 74,2 tỷ đồng chăm lo, hỗ trợ NLĐ

Báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về Quy chế mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021, trọng tâm phối hợp công tác năm 2022 diễn ra chiều nay, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Thủ đô Hà Nội hiện tập trung nhiều doanh nghiệp, số CNLĐ đông (khoảng 250.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu CNLĐ). Thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền Thành phố, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã triển khai, thực hiện hiệu quả một số hoạt động trọng tâm.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Đ.Hải)

Về công tác chỉ đạo, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho biết: LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề; 4 đề án thí điểm, 10 nhiệm vụ trọng điểm và nhiều kế hoạch để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung vào các giải pháp để thúc đẩy công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS); nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; với phương châm hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, NLĐ là trung tâm.

LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân Thành phố và 8 sở, ngành liên quan, qua đó tạo cơ chế thuận lợi trong công tác phối hợp hoạt động từ Thành phố đến cơ sở.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết: Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, song các cấp Công đoàn Thủ đô đã cố gắng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra: Phát triển 26.000 đoàn viên, đạt 88,56% (tăng 7,46% so với cùng kỳ 2020); thành lập 337 CĐCS, đạt 80,05% (tăng 4% so với cùng kỳ); thương lượng, ký mới được 700 bản Thỏa ước lao động tập thể, đạt 200% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

“Những kết quả trên bước đầu thể hiện sự phát huy tốt, đúng và trúng của các đề án thí điểm và cơ chế tài chính hỗ trợ do Công đoàn triển khai”, đồng chí Nguyễn Phi Thường khẳng định.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn được thực hiện linh hoạt, kết hợp trực tiếp với trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh với 2.209 lượt cán bộ Công đoàn tham gia, đạt 63,97% kế hoạch năm; các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, NLĐ vẫn được duy trì, thực hiện tốt. Tuy khó khăn do dịch bệnh, song tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô vẫn được giữ ổn định, không có vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công nào xảy ra.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai, thực hiện các biện pháp; với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, như: Mô hình “Tổ An toàn Covid-19”; xây dựng, bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp”...

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Hiện, Thành phố đã thành lập được 11.515 “Tổ An toàn Covid-19” tại 4.340 doanh nghiệp, với trên 50.600 người tham gia; các CĐCS cũng đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, duy trì được 743 “Vùng xanh doanh nghiệp”. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp không có tổ chức Công đoàn đã thành lập “Tổ An toàn Covid-19” và từ đó tự nguyện xin gia nhập tổ chức Công đoàn.

Từ nguồn tài chính công đoàn và xã hội hóa, Công đoàn Thủ đô đã ủng hộ, hỗ trợ vật tư, y tế cho công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền 104,2 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Phi Thường, công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đã được tập trung đẩy mạnh. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cấp Công đoàn Thành phố đã hỗ trợ 129.000 đoàn viên, NLĐ khó khăn, bị mắc kẹt tại các khu nhà trọ; hỗ trợ 20.000 CNLĐ ổn định cuộc sống quay trở lại sản xuất, sau dịch bệnh với tổng số tiền 74,2 tỷ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn Thành phố.

LĐLĐ Thành phố đã tiên phong triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo như: “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Tổ Cứu trợ khẩn cấp”, “Siêu thị 0 đồng”, Túi An sinh Công đoàn…

Cùng với việc chăm lo, hỗ trợ NLĐ khó khăn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tham gia tích cực với các chủ doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ; đồng thời Công đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. (Ảnh: Đ.Hải.)

“Từ những kết quả, nỗ lực cố gắng nêu trên của các cấp Công đoàn Thủ đô đã góp phần quan trọng vào kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; ổn định quan hệ lao động và thị trường lao động trên địa bàn; tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau dịch bệnh cao. Tại các Khu công nghiệp và chế xuất, đến nay đã có hơn 98% doanh nghiệp khôi phục sản xuất và hơn 95% lao động quay trở lại làm việc. Đặc biệt, qua các hoạt động đã tạo điều kiện để tăng cường sự kết nối, đoàn kết, đồng lòng giữa Công đoàn, NLĐ và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phi Thường cho biết: Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ 1,693 triệu NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền 706 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 206.823 lao động tự do số tiền 310 tỷ đồng và hỗ trợ 26.127 NLĐ có hợp đồng lao động số tiền 92,885 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Thành phố cũng đã hỗ trợ 288.601 người thuộc đối tượng chính sách, NLĐ làm việc ở các hộ kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập số tiền 295,63 tỷ đồng…

Đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại

Từ thực tiễn hoạt động Công đoàn và tình hình CNLĐ, thay mặt CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất với Chính phủ 5 nội dung.

Một là, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 khôi phục sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, ổn định thu nhập cho NLĐ; quan tâm phân bổ vắc xin kịp thời cho Thủ đô để tiêm phủ mũi 2 cho CNLĐ, đảm bảo khôi phục sản xuất, không để đứt gãy phục vụ đơn hàng cuối năm, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất 5 giải pháp góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đề xuất 5 giải pháp xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. (Ảnh: HNM)

Hai là, đề nghị Chính phủ quy định trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về thi hành Luật Công đoàn (đề xuất giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để đồng bộ với công tác quản lý Nhà nước về Lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội). Có giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang có chiều hướng gia tăng nhanh, đảm bảo quyền lợi của NLĐ và an sinh xã hội.

Ba là, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đặc biệt là Nghị định về thành lập, quản lý hoạt động của tổ chức đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp.

Bốn là, qua dịch bệnh Covid-19 và tình trạng lao động bỏ việc, di cư về quê thời gian vừa qua, đã đặt ra những vấn đề về chính sách của Nhà nước liên quan đến việc đảm bảo các điều kiện sống, việc làm bền vững cho CNLĐ thuê trọ tại các tỉnh, thành phố lớn. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá việc thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về xây dựng các thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp và chế xuất” kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện. Khi phê duyệt xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, cần đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà ở, trường học, các thiết chế cho CNLĐ.

Năm là, đề nghị Chính phủ quan tâm công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho CNLĐ, để thích ứng kịp thời với đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu phát động “Tuần năng suất” hoặc “Tháng năng suất” lao động Việt Nam; có biện pháp sớm cơ cấu, ổn định lại thị trường lao động sau dịch bệnh; thúc đẩy nhanh hơn việc dịch chuyển lao động sang khu vực chính thức; qua đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này