Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, chăm lo cho người lao động

15:08 | 16/10/2021
(LĐTĐ) Chiều nay (16/10), tại Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về Quy chế mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021, trọng tâm phối hợp công tác năm 2022.
Phối hợp nâng cao đời sống văn hóa, sức khỏe cho người lao động Kịp thời lan tỏa cách làm sáng tạo, hiệu quả của CNVCLĐ và các cấp Công đoàn trong phòng, chống dịch Thêm 1 triệu Túi An sinh Công đoàn đến với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chính phủ cùng nhìn lại những gì hai bên đã triển khai làm tốt trong công tác phối hợp thời gian qua, những gì chưa làm tốt để có biện pháp khắc phục kịp thời.

"Tất cả đều nhằm phát huy tốt nhiệm vụ của mỗi bên, vì lợi ích Quốc gia, dân tộc, vì quyền, lợi ích hợp hợp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động", Thủ tướng nhấn mạnh.

Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, chăm lo cho người lao động
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc buổi làm việc. Ảnh: Đ.Hải

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành cần đánh giá chuẩn xác những nội dung làm được, chưa làm được, cần thay đổi như thế nào để có chương trình phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, để góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, phát huy tối đa sức mạnh của họ để họ cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Mở đầu chương trình làm việc, thay mặt công nhân, lao động (CNLĐ) cả nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trân trọng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành cho CNLĐ cả nước sự quan tâm sâu sắc, kịp thời trong suốt quá trình phòng, chống dịch bệnh vừa qua.

Các cấp Công đoàn đã chi khoảng 5.500 tỷ đồng chăm lo cho NLĐ

Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ theo tinh thần Thông báo kết luận 01/TB-VPCP ngày 1/1/2021 vừa tích cực phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, chăm lo cho người lao động
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Ảnh: Đ.Hải.

Trong đó, trọng tâm là Công đoàn đã đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; chăm lo, hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Đến nay, có trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác) đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg với tổng số tiền là gần 15,8 nghìn tỷ đồng.

Các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền khoảng 5.500 tỷ đồng.

Cùng chung sức phòng, chống dịch, tổ chức Công đoàn đã tích cực hưởng ứng, phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chuyển tải, lan tỏa những chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến với CNLĐ; kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, CNLĐ tại các doanh nghiệp đang thực hiện ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến; vận động đoàn viên, NLĐ đóng góp, ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19, công tác phòng, chống dịch thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, đến nay, tổng số tiền các cấp Công đoàn đã và đang triển khai hỗ trợ NLĐ khoảng 5.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp cùng cán bộ chính quyền, đoàn thể tại cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, đảm bảo duy trì ổn định, đời sống của người dân, NLĐ gặp khó khăn. Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, NLĐ của tổ chức Công đoàn ra đời, phát huy hiệu quả được chính quyền, NLĐ, người sử dụng lao động đánh giá cao.

Công đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ; tham gia giám sát quá trình thực hiện các gói hỗ trợ này, đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng. Tính đến ngày 3/10, có trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác) đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg với tổng số tiền là gần 15,8 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công đoàn còn phối hợp với Chính phủ trong công tác chăm lo đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán; phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến CNLĐ và tổ chức Công đoàn; phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã nêu 4 nhóm kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cụ thể: Kiến nghị nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của NLĐ; chính sách nhà ở cho CNLĐ; triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; và một số kiến nghị khác như: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị "Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian tới; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của NLĐ và gia đình họ, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm…

Công đoàn đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, chăm lo cho người lao động
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đ.Hải.

9 nội dung phối hợp trọng tâm năm 2022

Về trọng tâm phối hợp công tác năm 2022, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 9 nội dung phối hợp.

Một là, phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nội dung có liên quan theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ.

Hai là, phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn, các chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Ba là, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, NLĐ hiểu, nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, các cấp Công đoàn và ngành, địa phương nhất là Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV, các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch. Phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông CNLĐ; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, các giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa NLĐ trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Bốn là, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng, trong đó ưu tiên thực hiện đợt thi đua cao điểm “Vượt thách thức, đón thời cơ - thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác”, phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Năm là, phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Phối hợp thúc đẩy chương trình nhà ở cho NLĐ.

Sáu là, phối hợp huy động mọi nguồn lực, quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Bảy là, phối hợp, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với NLĐ; việc triển khai thực hiện chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân, CNVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ tại cơ sở.

Tám là, phối hợp trong công tác sắp xếp, xử lý tài sản công của tổ chức Công đoàn; sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức Công đoàn theo các quy định của pháp luật.

Chín là, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các lần làm việc và gặp gỡ CNLĐ.

Về kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 01/TB-VPCP ngày 1/1/2021, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết:

Tại Thông báo kết luận số 01/TB-VPCP ngày 1/1/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xử lý 6 nội dung với 9 kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Kết quả rà soát, đến nay: Các bên đã phối hợp thực hiện được 6/9 kiến nghị; đang tiếp tục phối hợp thực hiện 3/9 (1 kiến nghị về phối hợp triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 1 kiến nghị về đề nghị có quy định cụ thể nhà công vụ giáo viên có công trình vệ sinh, nước hợp vệ sinh khi phê duyệt Kế hoạch Đề án, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; 1 kiến nghị về tập hợp nội dung vướng mắc cụ thể tại các Nghị định hiện hành liên quan đến bảo vệ ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá).

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này