Hà Nội thực hiện 7 nhóm nội dung để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19

21:33 | 15/10/2021
(LĐTĐ) Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở thực hiện 7 nhóm nội dung trọng tâm, để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Hà Nội phấn đấu nông dân có thu nhập 60 triệu đồng/người/năm Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu Cống hiến sức trẻ để xây dựng và phát triển Thủ đô

Ngày 14/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội". Trong đó nêu rõ 7 nhóm nội dung trọng tâm, yêu cầu cả hệ thống chính trị Thành phố tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

undefined
Lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài, tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K và quét mã QR. (Ảnh: Hữu Duyên)

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của Thành phố; đảm bảo mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. Lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K và quét mã QR code, đề cao ý thức người dân...

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát...

Ba là, tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hoá, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất. Đồng thời, thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, kinh doanh được bình thường…

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hoá, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu, Tổ Covid-19 cộng đồng.

undefined
Nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. (Ảnh: Hữu Duyên)

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới đảm bảo không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tâm lý của người dân; hỗ trợ người mất việc, không có thu nhập, khó khăn do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến cho học sinh. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hoá, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ để bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi cho người dân khi sử dụng và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bảy là, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở về công tác tổ chức thực hiện và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi; phát hiện và chấn chỉnh ngay những nơi thực hiện chưa nghiêm túc, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

"Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch của Thành phố thời gian qua, thực hiện tốt hệ thống các giải pháp trong tình hình mới; quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô và sức khỏe, tính mạng của Nhân dân", Chỉ thị nêu rõ.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này