Mở lại hoạt động vận tải liên tỉnh:

Đảm bảo an toàn nhưng không nên có quy định “cứng”

11:09 | 14/10/2021
(LĐTĐ) Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh. Theo đó, hành khách khi đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến các địa phương khác phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và có xét nghiệm âm tính. Mặc dù rất vui mừng trước thông tin này nhưng người dân và các doanh nghiệp vận tải vẫn tỏ ra khá dè dặt, bởi theo họ, hiện nay việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đưa ra là rất khó.
Từ 13/10, thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh Tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 Cần chấn chỉnh hoạt động vận tải liên tỉnh

Doanh nghiệp dè dặt, người dân chưa mặn mà

Tối 10/10, Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc thí điểm nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch; phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Qua thí điểm lần này, Bộ sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo. Thời gian thí điểm diễn ra từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021, chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm). Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Đảm bảo an toàn nhưng không nên có quy định “cứng”
Bến xe vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Lê Thắm

Đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng như hành khách đều phải đáp ứng được những quy định rất nghiêm ngặt. Cụ thể, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô…

Có thể thấy, thời gian qua, dịch bệnh đã khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trong số đó có những người mắc kẹt tại các thành phố và chưa thể trở về quê hoặc nơi làm việc… Việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách là tín hiệu tích cực đối với ngành giao thông vận tải cũng như người dân có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, trên thực tế, khi quy định được ban hành, không ít người dân băn khoăn, lo lắng.

Anh Nguyễn Nhật Hoàng (quê ở Hải Phòng) chia sẻ, dù xe khách liên tỉnh được mở lại nhưng anh vẫn rất đắn đo trong việc về quê hay tiếp tục ở lại thành phố và chờ đợi những quy định mới bớt “rắc rối” hơn. Bởi, hiện tại anh Hoàng đang ở quận Đống Đa, Hà Nội và anh mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19, bên cạnh đó, hiện nay việc test SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR chi phí khá cao, vượt quá khả năng chi trả của anh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia Giao thông, sự đồng bộ về quy định giữa các địa phương là điểm quan trọng nhất để các hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được thuận lợi. Kể cả khi đi ô tô khách không có những điều kiện về tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay xét nghiệm Covid-19 thì hành khách cũng sẽ gặp phải yêu cầu về công tác phòng, chống dịch khắt khe không kém của các địa phương. Vì vậy, cần phải có kế hoạch thống nhất, thực hiện cho tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Tôi lên Hà Nội để học chứng chỉ hành nghề theo quy định của công ty, thế nhưng khi lên thành phố, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lớp học tạm dừng và chúng tôi cũng không thể trở về quê trong giai đoạn giãn cách. Bây giờ có xe khách để về nhưng lại phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, đặc biệt là việc test Covid-19 rất khó khăn và tốn kém. Theo tìm hiểu của tôi, giá test bằng phương pháp RT-PCR thường tại các bệnh viện tư phải trên 700.000 đồng, còn ở các bệnh viện công thì luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, tôi vẫn chần chừ chưa quyết định được nên ở hay về”, anh Hoàng cho biết.

Không chỉ riêng đối với hành khách, hiện nay các doanh nghiệp cũng tỏ ra dè chừng đối với việc hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Bảo My (xe khách chạy tuyến liên tỉnh Bắc Giang – Hà Nội), cho hay: Về cơ bản, các doanh nghiệp vận tải đều rất vui mừng khi được phép hoạt động trở lại. Đây sẽ là bước khởi động và tạo đà cho các doanh nghiệp khôi phục kinh doanh.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là chúng tôi đều đã sẵn sàng nhưng người dân thì không. Theo ông Hưng, có 2 lý do khiến xe khách có nguy cơ không có khách nếu nối lại hoạt động vào thời điểm này. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước khiến tâm lý người dân ngại đi lại. Thứ hai, đối tượng hành khách chính của xe khách là người lao động, sinh viên... hiện nhu cầu đi lại vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, những yêu cầu khắt khe đối với hành khách đi ô tô khách sẽ là rào cản lớn khiến nhiều người không dám hoặc không thể lựa chọn phương tiện này để đi lại.

“Khi được hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ đầu tư chi phí để tiêm vắc xin và test Covid-19 cho nhân viên, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ, kể cả chỉ một hành khách đi chúng tôi cũng hoạt động để tạo thói quen trở lại cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù nhà xe đã có thông báo từ tối 10/10 nhưng khách hàng không mặn mà.

Theo phản hồi của khách hàng, điều kiện để họ được di chuyển bằng xe khách là phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô. Những điều kiện này không phải ai cũng đáp ứng được nhất là khi hành khách đa số thuộc tầng lớp bình dân”, ông Hưng cho biết.

Một số chủ doanh nghiệp khác chia sẻ, doanh nghiệp của họ hiện tại đang thua lỗ và chịu thiệt hại nặng nề trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, việc không có khách hàng, không được chạy xe khiến cho cả chủ xe và nhân viên không có thu nhập, nhiều người nghỉ việc không lương, xe nằm yên một chỗ ít được bảo trì… Vì vậy khi hoạt động trở lại tương ứng với việc họ sẽ phải bỏ ra các chi phí để trả lương cho nhân viên và rất nhiều chi phí phát sinh khác. Nhiều doanh nghiệp sẽ không chấp nhận mạo hiểm hoạt động trở lại trong thời điểm mà khách hàng không mặn mà.

Cần sự đồng bộ giữa các địa phương

Trước những khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đưa ra, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, nhận định, việc Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm chạy lại xe khách liên tỉnh là tính hiệu đáng mừng, giúp ngành vận tải mà cụ thể là vận tải hành khách đường bộ từng bước khôi phục.

Đảm bảo an toàn nhưng không nên có quy định “cứng”
Đảm bảo an toàn nhưng không nên có quy định “cứng” để tạo điều kiện cho người dân đi lại.

Những quy định khắt khe đối với hành khách và đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe khách mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, những quy định về đảm bảo yêu cầu quá chặt chẽ trong phòng dịch tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao như phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hay có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ có thể là những rào cản gây khó cho doanh nghiệp vận tải.

“Hiện nay, việc tiêm vắc xin tại các tỉnh, thành phố chưa đồng đều, tại một số địa phương, người dân đã được tiêm phòng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng có những địa phương bây giờ mới đang tiến hành tiêm mũi 1. Việc tiêm vắc xin được thực hiện chung theo chủ trương của Nhà nước, tỉnh, thành phố, vì vậy, yêu cầu người dân và đặc biệt là nhân viên nhà xe phải có chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin là rất khó thực hiện”, ông Liên nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Liên cho rằng, không chỉ có những quy định chung của Bộ Giao thông Vận tải mà hiện nay nhiều địa phương vẫn ban hành những quy định riêng đối với người từ nơi khác về như yêu cầu cách ly 14 ngày. Đây cũng là một rào cản lớn đối với hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định nói riêng.

Cùng với đó, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế cũng đang có sự chồng chéo, vênh nhau khiến cho việc đi lại của người dân thêm phần khó khăn. Ví dụ như hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải không buộc hành khách đi xe liên tỉnh cách ly, còn quy định trước đó của Bộ Y tế vẫn buộc người từ vùng nguy cơ cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn phải cách ly tại nhà…

Về phía các doanh nghiệp, điều họ mong mỏi nhất vẫn là việc nới lỏng các quy định để có thể kích thích nhu cầu di chuyển của khách hàng. “Chúng tôi mong rằng việc mở lại vận tải hành khách liên tỉnh sẽ được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhu cầu và điều kiện của thể của người dân.

Trong đó, chú trọng tới đặc trưng của hành khách đi xe liên tỉnh là những người điều kiện kinh tế không dư giả để có thể giảm tải bớt gánh nặng về kinh tế cho họ khi họ có nhu cầu được di chuyển liên tỉnh”, ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Bảo My, bày tỏ./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này