Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030

20:26 | 13/10/2021
(LĐTĐ) Bộ Tư pháp vừa ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BTP về Kế hoạch xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Tầm quan trọng của Bộ Tư pháp đối với hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Bộ Tư pháp vừa ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BTP về Kế hoạch xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Dự kiến, Đề án sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ trong quý 4/2022.

Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” được xây dựng với mục tiêu thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025…

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030
Ảnh minh họa (Ảnh: VGP)

Kế hoạch xây dựng Đề án đặt ra 5 yêu cầu, trong đó điểm đáng chú ý là yêu cầu về việc ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích giải pháp đổi mới sáng tạo. Đây là yêu cầu thiết thực trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số trong khu vực Nhà nước và tư nhân đang nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 nhất thiết phải có những giải pháp đột phá để kịp thời phục vụ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của đối tượng đặc thù này.

Theo Kế hoạch, từ quý 4/2021 đến quý 2/2022, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành khảo sát trực tuyến và trực tiếp nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận các hình thức hỗ trợ pháp lý và khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý.

Từ quý 4/2021 đến quý 3/2022, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổ chức đối thoại với chuyên gia nước ngoài về kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, đối thoại, tọa đàm khoa học với đại diện các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ pháp lý về các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật và do tổ chức thi hành công tác hỗ trợ pháp lý; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và một số doanh nghiệp…

Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP, căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này