Điều chỉnh quy hoạch kịp thời để thay đổi diện mạo Thủ đô

09:40 | 14/10/2021
(LĐTĐ) Sức “nóng” của quá trình đô thị hóa đang phả hơi lên bản vẽ chi tiết quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính, 10 năm triển khai quy hoạch chung với độ phủ quy hoạch lên đến 96%, vị thế và diện mạo Thủ đô đã có nhiều đổi thay, nhưng cùng với đó là nhiều tồn tại và những đòi hỏi mới, cần có sự điều chỉnh kịp thời.
Một Hà Nội phát triển, một Thủ đô nghĩa tình Những công trình làm thay đổi diện mạo Thủ đô

Điều chỉnh phù hợp với thực tế

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian tự nhiên và quy mô về đất đai của Hà Nội lớn hơn nhiều trước đây, thuận lợi cho quá trình đô thị hóa với quy mô lớn, hiện đại. Nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2011 được xem là sự kiện lớn, đột phá trong định hướng mục tiêu xây dựng Thủ đô. Giờ đây, về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.

Điều chỉnh quy hoạch kịp thời để thay đổi diện mạo Thủ đô
Sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô đã có nhiều đổi thay. Ảnh: M.Phương

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, đó là chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô, với vai trò là đô thị trung tâm, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Bên cạnh đó, quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn.

Việc tạo lập khu vực “Hành lang xanh” với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng, và trò của Thủ đô, đô thị loại đặc biệt, với mục tiêu đến năm 2045 là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…

Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau 10 năm được phê duyệt, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô… Những đòi hỏi này, yêu cầu cần có sự điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch thành phố Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này.

Khối lượng công việc “khổng lồ”

Trước thực tế nêu trên, trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Hà Nội và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao nhiệm vụ UBND Thành phố tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ba nhiệm vụ cơ bản: Rà soát, đánh giá điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây là khối lượng công việc đồ sộ khi vẫn còn tồn đọng các đồ án quy hoạch cấp dưới như quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống,…

Để hoàn thành nhiệm vụ này, tháng 5/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND (ngày 25/5/2021) triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lập Nhiệm vụ và Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; tham mưu UBND Thành phố xem xét, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Điều chỉnh quy hoạch kịp thời để thay đổi diện mạo Thủ đô
Ảnh Minh Phương

Gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chủ trì Hội thảo “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng Nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội” nhằm lấy ý kiến phản biện, góp ý của Bộ ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học cho các báo cáo này. Qua đó, các đơn vị thực hiện sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng báo cáo rà soát, kiến nghị, đề xuất những định hướng cần quan tâm giải quyết trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung trong thời gian sắp tới.

Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Một số định hướng chính như xác định cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó là nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố".

Đặc biệt, trong việc điều chỉnh quy hoạch giao thông, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía Nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5; với quy mô 1.300 ha. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các bộ ngành, đa số các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết trong việc điều chỉnh quy hoạch chung vùng Thủ đô, đồng thời cũng đề nghị cần có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu hơn nữa để tổng hợp thêm các ý kiến, tư vấn, góp ý cho việc triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới…

Cần khẳng định, những điều chỉnh trong quy hoạch chung vùng Thủ đô sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của Thành phố, hàng loạt dự án thấp thỏm, không chỉ chính quyền, nhà đầu tư mà ngay cả người dân tại những địa phương có sự thay đổi về quy hoạch cũng băn khoăn không kém. Một núi công việc đang chờ ở phía trước do đó mọi sự điều chỉnh “nếu có” đều cần được tiến hành khẩn trương, công khai và minh bạch, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này